2018-01-26

Tắc ruột do bã thức ăn - dùng coca cola

Tắc ruột do bã thức ăn
Thực phẩm chứa nhiều tannin, chất gây chát như: ổi, hồng xiêm, sung, hồng giòn… Khi ăn quả xanh hoặc chưa chín tới thường có vị chát.
Tannin và pectin là những chất làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng tới nhu động. Khi ăn quá nhiều, nhất là lúc đói, các chất này sẽ kết tụ dưới tác dụng của acid dạ dày khiến đầy bụng, khó tiêu, thậm chí buồn nôn, nôn mửa. Khi các chất này vón lại tạo thành khối bã ở khu vực ruột non , dễ dẫn đến tắc ruột.
Thực phẩm chứa nhiều chất xơ (cellulose): măng, chè tươi, rau muống. Khi ăn nhiều cũng dễ tích tụ và quyện vào nhau tạo thành u bã thức ăn gây tắc ruột non.
Đối tượng có nguy cơ cao: người có hệ tiêu hóa kém, trẻ em, người cao tuổi, người hay bị táo bón, người ăn thức ăn cứng, dai (gân bò, sụn sườn…), ăn trái cây mà nuốt cả hạt (sơ ri, vải, táo…). Hạt trái cây khi vào đường tiêu hóa sẽ trở thành nhân để những thực phẩm khó tiêu khác có nhiều xơ, sợi bám dính vào và vón lại thành nhiều cục, gây tắc ruột.
Tắc ruột do bã thức ăn cần có thời gian tích tụ và làm vón cục.

Biến chứng vì điều trị muộn
Tắc ruột được phân làm hai loại: tắc hoàn toàn và tắc không hoàn toàn.
Bệnh nhân bị tắc ruột hoàn toàn bắt buộc phải phẫu thuật cấp cứu ngay để giải phóng nơi bị tắc càng sớm càng tốt.
Nếu tắc không hoàn toàn, trong một số trường hợp sự lưu thông trong ruột có thể tự thông thương lại. Người bệnh cần được theo dõi sát, ngừng ăn uống, truyền dịch dinh dưỡng, nghỉ ngơi để thông ruột và tầm soát tìm nguyên nhân gây tắc ruột không hoàn toàn để có hướng điều trị thích hợp, tránh tái phát về sau. Bệnh nhân phát hiện sớm có thể uống nước Coca Cola cũng có thể tan ra được. Khi không có dấu hiệu tự thông thương hoặc có biểu hiện bị biến chứng sẽ phải phẫu thuật.
Khi bị tắc, nếu khối bã thức ăn chỉ ở dạ dày, bệnh nhân có triệu chứng đau bụng từng cơn, đau vùng thượng vị, được phát hiện chủ yếu qua nội soi. Nếu xuống ruột sẽ gây tắc ruột với các triệu chứng đau bụng, nôn, bí, chướng. Chụp X-quang sẽ dễ dàng thấy. Bởi vậy khi thấy có bốn triệu chứng: đau, nôn, bí, chướng, mọi người nên đi kiểm tra để phát hiện kịp thời. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh dễ bị biến chứng hoại tử ruột, xoắn ruột, thủng ruột, thậm chí có thể nguy hiểm tính mạng.
***
Cục bã thức ăn (Bezoas) là dị vật hình thành do kết tụ thức ăn và các chất không tiêu hóa được trong ống tiêu hóa thường tìm thấy ở dạng khối rắn trong dạ dày.

Phân loại: Chia thành 4 loại
1- Phytobezoar: Cục bã thức ăn có nguồn gốc thực vật hay gặp nhất thành phần chủ yếu là chất xơ, bã, tannin. (phyto- thực vật)
2- Tricobezoar: Cục bã thức ăn có thành phần là lông tóc, chất tổng hợp thường hay gặp ở người tâm thần.
3- Pharmabezoar: Cục bã thức ăn có nguồn gốc thuốc như vỏ thuốc viên, thuốc có thành phần là aluminum (nhôm)
4- Lactobezoar: Cục bã thức ăn có nguồn gốc từ sữa hay gặp ở trẻ ăn sữa ngoài.

Các yếu tố nguy cơ: Bệnh dạ dày giảm tiết acid, phẫu thuật cắt bán phần dạ dày, cắt dây thần kinh số X, người bệnh tâm thần.

Lịch sử khám phá bệnh
- Năm 1779, M. Baudamant mổ tả trường hợp tricobezoar đầu tiên trên một người bệnh tâm thần ở Paris.
- Năm 1912, Matas nghiên cứu các y văn cổ đã cho biết người Hindu thế kỷ 12 B.C sử dụng cục bã thức ăn trong dạ dày dê để chữa bệnh.
- Năm 1883, Schonborn đã phẫu thuật mở dạ dày lấy tricobezoar.
- Năm 1938, Debakey tổng kết 331 trường hợp cục bã thức ăn dạ dày và cho ra phân loại đầu tiên về cục bã thức ăn.

Chẩn đoán
- Triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu bệnh nhân có đau âm ỉ thượng vị, ăn khó tiêu, buồn nôn hoặc biểu hiện một bệnh cảnh tắc ruột…
- Cận lâm sàng: Chụp dạ dày uống Baryte, soi dạ dày là phương pháp chẩn đoán chính.

Điều trị
- Nội khoa: Metochlopropramid, Cellulase.
- Năm 2002, S. Ladas đã công bố phương pháp khá đặc biệt là cho bệnh nhân uống 3 lít Coca-Cola trong vòng 12 tiếng hiệu quả làm tan cục bã thức ăn dạ dày trên 5 bệnh nhân.
- Tán cục bã thức ăn qua nội soi dạ dày bằng cơ học hay thủy lực.
- Phẫu thuật: Ngày nay phẫu thuật được chỉ định khi 03 phương pháp trên không thực hiện được.