Dùng thuốc không theo đúng hướng dẫn sẽ dẫn tới những hậu quả
nghiêm trọng, kể cả với những thuốc dùng để chữa trị một số căn bệnh thông
thường như táo bón.
Táo bón là trạng thái khó đại tiện, buồn đi mà không đi
được, phải rặn mạnh, thời gian đi lâu hoặc nhiều ngày mới đại tiện,phân khô cứng
.
Nguyên nhân gây táo bón:
Rối loạn chức năng vận động đại tràng do ăn uống thiếu lành
mạnh (ăn ít chất xơ sợi, uống quá ít nước), ít vận động, có thói quen thường
nín nhịn đi tiêu làm mất phản xạ đại tiện.
Rối loạn quá trình chuyển hóa và nội tiết (tăng canxi trong
máu, nhược giáp).
Thực thể ở đại tràng, trực tràng, hậu môn bị tổn thương gây trở
ngại đường đào thải phân.
Do thuốc: Các thuốc chứa opium, thuốc kháng acid trị viêm
loét dạ dày – tá tràng, chống trầm cảm… cũng có thể gây táo bón.
Thuốc điều trị
Có thể chia làm 5 loại: Thuốc trị táo bón tạo khối (như
methyl cellulose) có tính hút nước, trương nở làm tăng khối lượng phân, khi uống
không hấp thu; thuốc trị táo bón tăng thẩm thấu (lactulose, sorbitol, forlax)
giúp giữ chất lỏng trong ruột làm phân mềm ra, từ đó dễ đi tiêu; thuốc làm trơn
phân (như dầu paraffin); thuốc thụt (ống bơm chứa glycerol: Rectiofar) bơm vào
hậu môn làm mềm phân; thuốc nhuận tràng kích thích (séné, rhubarbe, aloès) kích
thích mạnh ruột gây xổ.
Lưu ý khi dùng thuốc trị táo bón
– Hạn chế dùng thuốc táo bón, trừ khi bị táo bón kéo dài hay
làm một bệnh khác (như tăng huyết áp, trĩ) nặng thêm. Đầu tiên, nên dùng loại
thuốc có ít tác dụng phụ (thuốc tạo khối, thẩm thấu, bơm hậu môn), nếu không khả
quan mới chuyển sang dùng thuốc trị táo bón loại kích thích – cho tác dụng mạnh
nhưng có nhiều tác dụng phụ có hại như làm mất trương lực ruột, mất kali; bị phụ
thuộc thuốc
– Không nên dùng thuốc trị táo bón dài ngày, sau 7-10 ngày
dùng không hiệu quả thì phải đi khám để bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân.
– Có một số trường hợp đặc biệt khi chưa bị táo bón hoặc rất
nhẹ vẫn phải dùng thuốc, đó là: người bị đau thắt ngực hoặc đã bị nhồi máu cơ
tim, đột quỵ; đang bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… những bệnh đòi hỏi không được
gắng sức
Người bị táo bón trước khi dùng thuốc hoặc song song với
việc dùng thuốc nên áp dụng các biện pháp sau:
– Tăng cường ăn nhiều chất xơ sợi (rau cải, hoa quả) hơn, uống
nhiều nước (1,5-2 lít/ngày), ngoài ra bổ sung thêm nước hoa quả như nước cam,
nước chanh).
– Tạo thói quen đại tiện đúng giờ cố định
– Tăng cường vận động, tập thể dục, thể thao.