2018-01-26

Ghép da trong điều trị vết thương loét

Ghép da trong điều trị vết thương loét


Ghép da là một trong kỹ thuật điều trị lành vết thương, với điều kiện vết thương đủ điều kiện để ghép. Người ta có thể lấy da từ vị trí khác trong cùng cơ thể bệnh nhân, da từ người chết, hoặc da dị loài để ghép như da lợn, da ếch.

Ghép da tự thân là da được lấy từ một nơi trên cơ thể bệnh nhân và được chuyển tới ghép vào một nơi khác trên cùng một cơ thể đó. Ví dụ như da lấy từ bụng để thay thế da bị tổn thương trên cổ của cùng một người bệnh. Do có sự tương đồng về kháng nguyên phù hợp tổ chức của nơi cho và nơi nhận, mảnh ghép được dung nạp và tồn tại vĩnh viễn.
Ghép đồng gen giữa những người có đặc điểm gen giống nhau, như trường hợp những người sinh đôi cùng trứng, mô cấy ghép có thể tồn tại vĩnh viễn.




Ghép da đồng loài được lấy từ người này và ghép sang cho người khác, do khác nhau về kháng nguyên phù hợp tổ chức nên mảnh ghép bị loại thải khỏi nơi nhận sau một thời gian. Thời gian đào thải mảnh ghép nhanh hơn nếu tiếp tục ghép da lần thứ hai trở đi. Một ví dụ cho ghép da đồng loài là mảnh da ghép lấy từ người chết, mô này được xử lý hóa chất để đảm bảo an toàn và được dùng như một mảnh ghép tạm thời. 

Ghép da dị loài là mô của cá thể loài này chuyển ghép cho một cá thể loài khác. Cũng giống như mảnh ghép đồng loài, không có sự tương đồng về kháng nguyên phù hợp tổ chức nên mảnh ghép bị thải loại nhanh chóng. Ví dụ như da lợn được ghép cho người, mảnh ghép chỉ tồn tại một thời gian ngắn, loại ghép này hay dùng trong tổn thương bỏng.