2018-01-26

Khám, đánh giá bệnh nhân hôn mê theo thang điểm Glasgow 4p

Khám, đánh giá bệnh nhân hôn mê theo thang điểm Glasgow
Việc đánh giá ý thức bệnh nhân theo thang điểm Glasgow rất thường xuyên được sử dụng trên lâm sàng.
I. Đại cương
- Thang điểm hôn mê Glasgow (Glasgow Coma Scale, viết tắt là GCS) là một phương pháp đánh giá tình trạng ý thức của người bệnh một cách lượng hóa. Ban đầu, thang điểm này được thiết lập để lượng giá độ hôn mê của nạn nhân bị chấn thương đầu, hiện nay người ta còn dùng thang điểm Glasgow trong những trường hợp bệnh lý khác. Thang điểm này khá khách quan, đáng tin cậy, có giá trị tiên lượng và rất thuận tiện trong việc theo dõi diễn tiến của người bệnh.
- Thang điểm có 3 yếu tố, gồm các đáp ứng bằng mắt (E), lời nói (V) và vận động (M). Điểm chi tiết cũng như tổng số điểm của ba loại đáp ứng đều được theo dõi. Tổng điểm GCS thấp nhất là 3 (hôn mê sâu hoặc chết), và cao nhất là 15 (người hoàn toàn tỉnh và đang thức).
- Các trường hợp cần khám: Trên bệnh nhân có tình trạng rối loạn ý thức.
II. Mục đích của khám
- Khám đánh giá mức độ rối loạn ý thức của bệnh nhân
·        15 điểm: bình thư­­­­ờng.
·        9-14 điểm: rối loạn ý thức nhẹ.
·        6 đến 8 điểm: rối loạn ý thức nặng.
·        4 đến 5 điểm: hôn mê sâu
·        3 điểm: hôn mê rất sâu, đe doạ không hồi phục
- Tiên lượng người bệnh: điểm càng thấp tiên lượng càng nặng.
- Theo dõi diễn biến của người bệnh: đánh giá điểm Glasgow qua các thời điểm.
III. Thứ tự các bước khám
- Bước 1: Quan sát bệnh nhân, chú ý đến mắt; tư thế, cử động của chi thể; lời nói.
- Bước 2: Nếu thấy bệnh nhân nằm im, thực hiện lay, gọi người bệnh.
- Bước 3: Bệnh nhân tỉnh, đặt câu hỏi cho người bệnh (Bác tên gì? Bao nhiêu tuổi?quê ở đâu?)
- Bước 4: Bệnh nhân tỉnh, yêu cầu làm một số động tác đơn giản: co tay, co chân.
- Bước 5: Bệnh nhân gọi hỏi không biết, tiến hành kích thích đau. Dùng ngón cái và bờ ngoài ngón 2 tay thuận véo vào dùng da mỏng như mặt trong đùi, cẳng tay, cánh tay.
Điểm được lấy là điểm cao nhất với mỗi thao tác khám.
IV. Nhận định
1. Đáp ứng bằng mắt tốt nhất (E)
Có 4 mức độ:
·        4 điểm: Mở mắt tự nhiên
·        3 điểm: Mở mắt khi nghe gọi. (Cần phân biệt với ngủ, nếu bệnh nhân ngủ và mở mắt khi bị đánh thức thì ghi là 4 điểm, không phải 3).
·        2 điểm: Mở mắt khi bị làm đau.
·        1 điểm: Không mở mắt.
2. Đáp ứng bằng lời nói tốt nhất (V)
Có 5 mức độ:
·        5 điểm: Trả lời chính xác. (Bệnh nhân trả lời đúng những nội dung đơn giản, quen thuộc như tên, tuổi của bản thân, quê quán, mùa, năm v.v.).
·        4 điểm: Trả lời, nhưng nhầm lẫn. (Bệnh nhân vẫn "nói chuyện" được với người khám nhưng tỏ ra lú lẫn trong các câu trả lời).
·        3 điểm: Phát ngôn vô nghĩa. (Bệnh nhân có thể nói thành câu, nhưng không đúng câu hỏi của thầy thuốc)
·        2 điểm: Phát âm khó hiểu. (Có thể kêu rên, nhưng không thành những từ ngữ rõ ràng).
·        1 điểm: Hoàn toàn im lặng.
3. Đáp ứng vận động tốt nhất (M).
Có 6 mức độ:
·        6 điểm: Thực hiện đúng yêu cầu của người thầy thuốc.
·        5 điểm: Cấu véo đáp ứng chính xác (co tay hoặc gạt tay phù hợp với kích thích đau).
·        4 điểm: Cấu véo đáp ứng không chính xác.
·        3 điểm: Co cứng (kiểu) mất vỏ khi đau. Hai tay co, nắm chặt trước ngực, chân duỗi, bàn chân hướng vào trong.
·        2 điểm: Duỗi cứng (kiểu) mất não khi đau. Đầu ngửa ra sau, tay duỗi áp sát thân mình, chân duỗi, hai bàn tay nắm và xoay ngoài.
·        1 điểm: Không đáp ứng với đau.
Tổng số điểm cũng như từng điểm chi tiết đều có ý nghĩa quan trọng, do đó, điểm Glasgow của một bệnh nhân thường được đọc theo kiểu của thí dụ sau: Glasgow 10 điểm (Mắt 3, lời nói 4, vận động 3) lúc 17 giờ 25 phút ; hoặc viết tắt là "GCS = 10 (E3 V4 M3) lúc 17:25".
Hình ảnh co cứng mất vỏ và duỗi cứng mất não
V. Một số nguyên nhân gây hôn mê
-         Bệnh lý do tổn thương mạch máu : tai biến mạch máu não,
-         Hôn mê có co giật: động kinh, sản giật, u não..
-         Hôn mê do nhiễm trùng : viêm não – màng não
-         Hôn mê do nhiễm độc : thuốc
-         Hôn mê do chuyển hóa: ĐTĐ(hạ hoặc tăng đường huyết), do tăng ure máu, hôn mê gan..
-         Chấn thương sọ não
VI. Một số câu hỏi thảo luận
1. Ý nghĩa của việc theo dõi ý thức bệnh nhân bằng thang điểm Glasgow?
2. Kể một số trường hợp không thể áp dụng thang điểm Glasgow trong thăm khám?
3. Kể tên một số nguyên nhân gây hôn mê thường gặp? Đặc điểm của hôn mê trong những trường hợp đó?
4. Chăm sóc bệnh nhân hôn mê cần lưu ý điều gì ?