2018-01-26

giải phẫu phúc mạc và phân khu ổ bụng

Giải Phẫu : Phúc Mạc Và Phân Khu Ổ Bụng
Mục tiêu bài giảng
1. Định nghĩa được phúc mạc.
2. Phân biệt các lá phúc mạc, ổ phúc mạc, các loại tạng liên quan với phúc mạc, các ngách, các nếp, các hố, các túi cùng phúc mạc.
3. Mô tả được mạc nối nhỏ, mạc nối lớn, phân khu ổ bụng.

I. Đại cương
Phúc mạc là một màng thanh mạc, lót mặt sâu của thành bụng, mặt dưới của cơ hoành và bao bọc các tạng trong ổ phúc mạc thuộc ống tiêu hoá, là một màng tương tự như màng phổi hay màng ngoài tim.
1. Phúc mạc thành và phúc mạc tạng
Phúc mạc thành là lá phúc mạc lót ở mặt sâu của thành bụng. Phúc mạc tạng là lá phúc mạc bao bọc mặt ngoài các tạng. Hai lá này liên tiếp với nhau tạo nên mạc treo, mạc dính và mạc chằng (là phần phúc mạc nối cơ quan với thành bụng). Mạc nối là phần phúc mạc nối hai cơ quan trong ổ bụng. Giữa hai lá của các mạc thường có mạch máu và thần kinh đi vào các tạng.
2. Ổ bụng và ổ phúc mạc
- Ổ bụng được giới hạn bởi thành bụng, cơ hoành và đáy chậu, chứa các tạng và ổ phúc mạc.
- Ổ phúc mạc là một khoang ảo vì thể tích các tạng gần bằng thể tích ổ bụng, được xem là một khoang nằm giữa hai lá phúc mạc thành và phúc mạc tạng tương tự như khoang màng phổi. Khi dịch tích tụ ở trong khoang này thì được gọi là bụng báng. Ở phụ nữ, ổ phúc mạc không phải là một khoang kín, mà thông thương với môi trường bên ngoài qua lỗ bụng của vòi tử cung.
3. Tạng trong phúc mạc, tạng ngoài phúc mạc, tạng bị thành hoá, tạng dưới thanh mạc
Tạng trong phúc mạc là tạng được phúc mạc bao bọc gần hết chu vi và di động. Ví dụ: dạ dày, hỗng tràng, hồi tràng... Tạng ngoài phúc mạc là các tạng thuộc hệ tiết niệu - sinh dục, nằm trong ổ bụng nhưng ngoài ổ phúc mạc và chỉ được phúc mạc che phủ một phần nhỏ. Tạng bị thành hoá là các tạng có nguồn gốc phôi thai nằm trong ổ phúc mạc, nhưng trong quá trình phát triển thì nó bị dính vào phúc mạc thành và được xem như tạng ngoài phúc mạc: tá tràng, tuỵ... Tạng dưới thanh mạc như túi mật, ruột thừa là tạng trong phúc mạc, nhưng thanh mạc dễ bóc tách, nhất là khi bị viêm nhiễm. Tạng trong ổ phúc mạc: buồng trứng được xem là một tạng trong ổ phúc mạc duy nhất, được bao bọc một phần bởi phúc mạc nối dài với mạc treo buồng trứng, phần còn lại liên quan trực tiếp với ổ phúc mạc, nhờ vậy trứng mới rụng được trong ổ phúc mạc.
4. Các cấu trúc khác
- Túi cùng là một ngách do phúc mạc lách giữa các tạng ở chậu hông, là những chổ thấp nhất của ổ phúc mạc khi đứng: túi cùng bàng quang - tử cung, sinh dục - trực tràng...
- Ngách là một ngách phúc mạc giữa các tạng nhưng không phải là túi cùng. Ngách dưới gan, ngách gan thận, ngách dưới hoành, ngách trên tá tràng trên... Các quai ruột có thể lọt qua các ngách này gây nên những thoát vị bên trong và thường dẫn đến tắt ruột do nghẹt.
- Hố do phúc mạc thành lót ở chỗ lõm của thành bụng: Hố bẹn ngoài, hố bẹn trong...
- Nếp là do phúc mạc bị đội lên bởi mạch máu hay dây chằng ở mặt trong của thành bụng: Nếp rốn ngoài, nếp rốn trong.
II. Cấu tạo và chức năng phúc mạc
1. Cấu tạo
Bề mặt của phúc mạc được cấu tạo  bởi lớp tế bào thượng bì hình vảy nên phúc mạc luôn luôn trơn láng, ngoài ra các tế bào này còn tiết dịch giúp phúc mạc luôn ẩm ướt. Nhờ đó mà các tạng trượt lên nhau một cách dễ dàng. Khi bị viêm nhiễm hay tổn thương phúc mạc thì các tạng hay bị dính. Lớp trong thì được cấu tạo bởi mô sợi liên kết nên phúc mạc chắc và đàn hồi, vì vậy khâu nối ở các tạng có phúc mạc dễ hơn ở các tạng không có phúc mạc.
2. Kích thước của phúc mạc
Diện tích của phúc mạc bằng diện tích da của cơ thể nên khả năng hấp thụ và trao đổi rất nhanh, người ta ứng dụng để thẩm phân phúc mạc... Tuy nhiên khi bị viêm nhiễm thì chất độc cũng hấp thụ nhanh và nếu nó phù nề tạo nên một khoang dịch thứ ba của cơ thể gây rối loạn nước và điện giải nghiêm trọng.
3. Mạch máu và thần kinh
- Mạch máu: Phúc mạc được nuôi dưỡng từ các nhánh của các tạng hay thành bụng. Hệ thống bạch huyết của phúc mạc nằm dưới thanh mạc và phong phú nhất là ở phúc mạc thành nên khả năng hấp thụ ở đây rất mạnh.
- Thần kinh: Gồm những sợi vận mạch và cảm giác, cảm giác của phúc mạc tạng được dẫn truyền bởi đường cảm tạng, như vậy cảm giác ở đây mơ hồ, khó định vị và có những vùng tương ứng ở bề mặt cơ thể theo tiết đoạn thần kinh tương ứng. Ví dụ: Trường hợp ruột thừa viêm, đường dẫn truyền cảm tạng tương ứng với tiết đoạn tuỷ gai D10 cho nên cơn đau đầu tiên của ruột  thừa viêm thường ở vùng quanh rốn là vùng da chi phối bởi dây thần kinh gian sườn 10.
Trong lúc đó cảm giác của phúc mạc thành được dẫn truyền bởi đường cảm giác cơ thể, phát sinh từ các sợi của thần kinh thành bụng cho nên cảm giác ở đây rõ ràng và cơ thể có phản ứng chống đỡ bằng hiện tượng co cơ gọi là co cứng thành bụng là triệu chứng quan trọng nhất của viêm phúc mạc...
4. Chức năng của phúc mạc
- Tăng cường sự vững chắc của các tạng.
- Giúp các tạng trượt lên nhau một cách dễ dàng.
- Chống nhiễm trùng, khu trú ổ nhiễm trùng.
- Ngoài ra còn có chức năng dự trữ mỡ.
III. Mạc nối lớn và mạc nối nhỏ
1. Mạc nối nhỏ
Có nguồn gốc từ vách ngang đi từ gan đến dạ dày và tá tràng, tạo thành thành trước tiền đình túi mạc nối, gồm có hai lá trước và sau, hai lá này liên tiếp ở bờ phải của nó tạo thành bờ tự do của mạc nối nhỏ bao bọc lấy cuống gan. Phía trên mạc nối nhỏ bám vào cơ hoành, rãnh dây chằng tĩnh mạch của gan và cửa gan, phía dưới bám vào thực quản, bờ cong vị nhỏ, 2 -3 cm đầu tiên của tá tràng.
Hình 8. 5. Mạc nối nhỏ và mạc nối lớn
1. Mạc nối nhỏ
2. Dây chằng gan tá tràng
3. Mạc nối lớn
4. Bờ cong vị nhỏ
5. Bờ cong vị lớn

Hình 8. 6. Túi mạc nối.
1. Mạc nối nhỏ (đã cắt)
2. Thân tụy
3. Dây chằng tròn gan
4. Túi mật
5. Dây chằng gan tá tràng

2. Mạc nối lớn
Do sự phát triển xuống dưới của túi mạc nối tạo thành, đi từ bờ cong vị lớn phủ lấy mặt trước quai ruột như một tạp đề, sau đó quặt lên trên vòng phía trên kết tràng ngang và dính với mạc treo kết tràng ngang đi đến thành bụng sau bao bọc tá tràng, tuỵ tạng cuối cùng dính vào cơ hoành. Mạc nối lớn là một hàng rào ngăn cản vi trùng, thường khu trú các ổ nhiễm trùng.
IV. Phân khu ổ bụng
Các nếp phúc mạc chia ổ phúc mạc thành nhiều khu, nhờ vậy mà các ổ nhiểm trùng lan toả chậm
Các mạc nối chia ổ phúc mạc thành hai khu:
- Túi mạc nối.
- Phần còn lại là ổ phúc mạc lớn.
Mạc treo kết tràng ngang nằm như một gác lững chia ổ bụng thành hai tầng:
- Tầng trên ổ bụng chứa gan, lách, dạ dày, các ổ mủ ở tầng này gọi là áp xe dưới cơ hoành. Tầng trên ổ bụng được chia thành hai ô:
+ Ô dưới hoành phải gồm có hai ngách: Ngách dưới hoành và ngách dưới gan.
+ Ô dưới hoành trái.
- Tầng dưới ổ bụng chia làm hai ô phải và trái bởi mạc treo ruột, mặt phải của mạc treo ruột tiếp tuyến với thành ruột trong khi mặt trái thì tạo thành góc vuông. Kết tràng lên và kết tràng xuống tạo với thành bụng hai rãnh kết tràng thông thương  giữa tầng trên ổ bụng với hố chậu.
- Mạc treo đại tràng sigma giống như một nắp đậy chậu hông.

Hình 8. 7.Ổ phúc mạc (tầng dưới mạc treo kết tràng ngang)
1. Mạc nối lớn
2. Kết tràng ngang
3. Mạc treo kết tràng ngang
4. Góc tá hỗng tràng
5. Mạc treo ruột
6. Kết tràng xích ma
7. Đoạn cuối hồi tràng

- See more at: http://medicare.health.vn/cong-dong/tai-lieu/giai-phau-phuc-mac-va-phan-khu-o-bung#sthash.FI5MOnaf.dpuf