2018-01-26

phẫu thuật Ferguson điều trị trĩ

PHẪU THUẬT FERGUSON ĐIỀU TRỊ BỆNH TRĨ
          Trĩ là những cấu trúc giải phẫu bình thường và có chức năng sinh lý nhất định vùng hậu môn – trực tràng. Gọi là bệnh trĩ khi những cấu trúc này chuyển sang trạng thái bệnh lý, với các triệu chứng như: đau rát hậu môn, đại tiện máu, sa búi trĩ…

           Bệnh trĩ khá thường gặp, tỷ lệ gặp từ 35 – 50% dân số, chiếm 85% các bệnh lý ngoại khoa vùng hậu môn trực tràng. Bệnh trĩ không đe dọa đến sự sống còn nên chưa được chú ý một cách đúng mức về phía thầy thuốc cũng như về phía người bệnh nhưng nó lại trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thường ngày của người bệnh.
          Có nhiều phương pháp điều trị: điều chỉnh chế độ vệ sinh, ăn uống, chế độ làm việc, dùng thuốc đông, tây y toàn thân, tại chỗ, các thủ thuật điều trị trĩ (tiêm xơ, thắt vòng cao su…) hoặc phẫu thuật. Một số phương pháp thường được sử dụng: Milligan-Morgan, phẫu thuật Longo, triệt mạch trĩ dưới siêu âm Doppler…Các phương pháp trên đều có ưu điểm và nhược điểm nhất định, tuy nhiên nếu được chỉ định đúng, được thực hiện bởi những phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm và đúng kỹ thuật thì sẽ cho kết quả tốt.
            Phương pháp cắt trĩ Ferguson được thực hiện từ  năm 1959. Đây là cải tiến của phương pháp Milligan – Morgan và từ đó phương pháp này được áp dụng rộng rãi ở Mỹ. Điểm khác biệt của kỹ thuật này là sau khi cắt búi trĩ hai mép cắt (niêm mạc trực tràng hậu môn, da), sẽ được khâu lại do đó còn gọi là cắt trĩ kín. Phương pháp Ferguson có chỉ định rộng, giá thành rẻ, bệnh nhân ít đau, săn sóc sau mổ đơn giản, kiểm soát chảy máu tốt hơn, bệnh nhân sớm trở về sinh hoạt, làm việc bình thường.
            Ở Việt Nam phương pháp Ferguson đã bước đầu áp dụng tại một số cơ sở và cho kết quả ban đầu tốt. Tại khoa Ngoại Tổng Hợp bệnh viện đa khoa Hà Đông chúng tôi đã triển khai thường quy phương pháp mổ này và cho kết quả rất tốt. Qua bài này chúng tôi giới thiệu kỹ thuật mổ Ferguson trong điều trị bệnh trĩ.
1.        Phương pháp vô cảm.
Có thể gây tê tuỷ sống, tê tại chỗ, mê nội khí quản, mask thanh quản (nếu có chống chỉ định tê tuỷ sống). Chúng tôi gây tê tủy sống trong tất cả các trường hợp phẫu thuật
2.        Tư thế bệnh nhân.
Bệnh nhân nằm tư thế phụ khoa: đặt chân lên khung có giá đỡ, đùi dạng tối đa, cẳng chân giơ cao, đặt mông chìa ra cách mép bàn mổ 10cm. Phẫu thuật viên ngồi giữ, 2 người phụ đứng hai bên.
3.        Vô khuẩn.
Sát trùng tầng sinh môn quanh hậu môn, bên trong hậu môn trực tràng bằng Betadin 10% hoặc cồn 700.
4.        Các bước thực hiện phẫu thuật.
Bước 1: sau khi gây tê, mê, nong hậu môn, đánh giá tình trạng bệnh trĩ.
Bước 2: Đặt van hậu môn và rạch da, niêm mạc hình trám, phẫu tích cắt búi trĩ như phẫu thuật cắt trĩ của Milligan – Morgan. Thường bắt đầu từ vị trí búi trĩ 3h. Thắt tận gốc búi trĩ bằng Vicryl 2.0.




Bước 3: Khâu niêm mạc trực tràng – hậu môn – da bằng mũi khâu vắt chỉ Vicryl 4.0 hoặc 5.0, hoặc chỉ Catgut cromé 4.0.

Cắt các bó trĩ tương tự ở vị trí 8 h và 11h.
Bước 4: Phẫu thuật phối hợp: lấy da thừa, u nhú rìa hậu môn…
          Chăm sóc sau mổ: giữ vệ sinh tầng sinh môn là vấn đề hết sức quan trọng sau phẫu thuật. Ngoài công tác thay băng hàng ngày bằng betadine 10%. Những ngày đầu sau mổ lưu ý phải dặn bệnh nhân không được tự ý nong hậu môn, sau khi đi ngoài phải vệ sinh sạch tầng sinh môn, không phải ngâm rửa hậu môn hàng ngày.
         Qua kết quả nghiên cứu điều trị và chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật cắt trĩ theo phương pháp Ferguson chúng tôi thấy những ưu điểm nổi bật của phương pháp là việc chăm sóc sau mổ đơn giản, dễ dàng và hiệu quả, liền vết mổ kỳ đầu nhanh, không có nhiễm trùng, áp xe vết mổ khi đã tuân thủ theo đúng quy trình và nguyên tắc chăm sóc sau mổ.