2018-01-26

định hướng chẩn đoán đau đầu cấp

ĐỊNH HƯỚNG CHẨN ĐOÁN ĐAU ĐẦU CẤP

1. ĐẠI CƯƠNG

- Đau đầu là một tình trạng bệnh lý rất phổ biến trong cấp cứu, đa số lành tính (trên 90% các trường hợp) nguyên nhân rất phức tạp, nhiều nguyên nhân khác nhau rất khó xác định.

- Đau đầu có khi là 1 triệu chứng chỉ điểm cho một bệnh lý của hệ thần kinh trung ương như tai biến mạch não (TBMN), u não,..

- Cấu trúc não chia 2 vùng về cảm giác:
+ Vùng có cảm giác: các tĩnh mạch nội sọ và các nhánh, màng cứng ở đáy, động mạch màng não trước và giữa, các động mạch quanh đa giác Willis, các dây thần kinh dẫn truyền cảm giác: V, IX, X.
+ Các tổ chức vô cảm: chất não, các động mạch nhỏ trên mặt vỏ não, màng cứng trên vòm sọ.

- Đối với một đau đầu cấp tính điều quan trọng là phải phân biệt cho được giữa một đau đầu lành tính và một đau đầu nguy hiểm cần xử trí kịp thời.

2. Các nguyên nhân nguy hiểm cần được chẩn đoán cấp cứu:

- Viêm màng não mủ: đau đầu, cứng gáy, sợ ánh sáng, suy sụp, có thể không sốt. Chọc dịch não tủy có giá trị chẩn đoán
- Xuất huyết nội sọ: đau đầu và cứng gáy; có thể không có rối loạn ý thức hoặc co giật. Chọc dịch não tủy có thể có máu không đông.
- U não: thường đau đầu dữ dội kèm theo nôn và buồn nôn. Có thể nghĩ đến u não trên bệnh nhân có một đau nửa đầu mới xuất hiện.
- Viêm động mạch thái dương: thường đau đầu dữ dội một nửa đầu. Thường xuất hiện trên bệnh nhân cao tuổi (> 50 tuổi) và thường liên quan đến các rối loạn thị lực. Tốc độ máu lắng có giá trị cao trong chẩn đoán vì thường tăng cao (>50). Chẩn đoán xác định dựa vào kết quả sinh thiết động mạch.
- Glaucoma: đau đầu thường kèm đau mắt dữ dội. Có thể kèm theo nôn và buồn nôn. Mắt thường đau, đỏ. Đồng tử thường giãn.