2018-07-07

Chương 2 - đại cương về cơ thể sống và hằng tính nội môi


Chương 2 - đại cương về cơ thể sống và hằng tính nội môi

GIỚI THIỆU
Cơ thể sống là một hệ thống mở, tồn tại được nhờ liên tục tiếp nhận không khí, thức ăn, nước uống từ môi trường bên ngoài đồng thời cũng đẩy các chất thải ra ngoài môi trường và các tế bào là đơn vị sống cơ bản.


Mục tiêu học tập:
1. Nêu được ba đặc điểm của sự sống
2. Trình bày được vai trò của hằng tính nội môi 3. Trình bày được cơ chế điều hoà bằng thần kinh thông qua các phản xạ
4. Trình bày được cơ chế điều hoà bằng đường thể dịch
5. Trình bày được cơ chế điều hoà ngược
                                       
ĐẶC ĐIỂM CỦA SỰ SỐNG
Đặc điểm thay cũ đổi mới
- Quá trình đồng hoá: Là quá trình thu nhận vật chất, chuyển vật chất thành chất dinh dưỡng, thành những phần cấu tạo nên tế bào, giúp sinh vật tồn tại và phát triển.
- Quá trình dị hoá: Là quá trình phân giải vật chất, giải phóng năng lượng cho cơ thể hoạt động và thải các sản phẩm chuyển hoá ra khỏi cơ thể.
Đặc điểm chịu kích thích
- Là khả năng đáp ứng với các tác nhân kích thích vật lý như cơ học, điện học, quang học, nhiệt học; với các kích thích hoá học, tâm lý học... biểu hiện ở mức tế bào, cơ quan hoặc toàn bộ cơ thể.
- Cường độ tối thiểu tạo ra đáp ứng với mỗi tác nhân kích thích được gọi là ngưỡng kích thích.
Đặc điểm sinh sản giống mình
- Là phương thức tồn tại, duy trì nòi giống

NỘI MÔI, HẰNG TÍNH NỘI MÔI
Nội môi
- Khoảng 56% trọng lượng cơ thể người trưởng thành là dịch.
- Dịch nội bào: chiếm 2/3
- Dịch ngoại bào: chiếm 1/3 (huyết tương, dịch kẽ, dịch bạch huyết, dịch não tuỷ, dịch nhãn cầu, dịch ổ khớp...)
- Nội môi: môi trường bên trong cơ thể-dịch ngoại bào
"Homeostasis" : Sự ổn định nồng độ các chất trong dịch ngoại bào.

Các chức năng cần thiết cho sự sống = duy trì hằng tính nội môi
Hệ thống bao bọc, chống đỡ và vận động: Da, cơ, xương, khớp
Hệ thống điều hòa: Hệ thần kinh và thể dịch
Hệ duy trì (tiếp nhận, tiêu hóa, chuyển hóa, vận chuyển các chất dinh dưỡng, bài tiết các sản phẩm chuyển hóa): Hệ tuần hoàn, hô hấp, miễn dịch, tiêu hóa, dinh dưỡng, chuyển hóa chất-năng lượng và điều nhiệt, tiết niệu, dịch cơ thể
Hệ thống sinh sản: Tồn tại, duy trì nòi giống

ĐIỀU HOÀ CHỨC NĂNG
Các hệ thống chức năng tương tác với nhau qua con đường thần kinh và thể dịch
- Sự điều hòa chức năng phụ thuộc vào 5 yếu tố: Bộ phận cảm thụ (receptor) tiếp nhận các kích thích từ bên trong, ngoài cơ thể, chuyển về trung tâm theo đường hướng tâm. Trung tâm điều hòa sẽ tích hợp, phân tích, đưa ra những quyết định. Đường ly tâm sẽ dẫn truyền tín hiệu đến bộ phận đáp ứng tạo ra những thay đổi thích hợp.
- Thường nằm trên da, niêm mạc, bề mặt khớp, thành mạch, bề mặt các tạng, cơ quan trong cơ thể.
- Thường là dây thần kinh cảm giác hoặc dây thần kinh tự chủ.
- Vỏ não, các cấu trúc dưới vỏ và tuỷ sống.
- Thường là dây thần kinh vận động và dây thần kinh tự chủ.
- Thường là cơ hoặc tuyến.

Điều hoà bằng đường thần kinh
Các phản xạ không điều kiện và phản xạ có điều kiện giúp cơ thể đáp ứng nhanh, nhậy, tự động với các tác nhân kích thích bên trong và ngoài nhằm đảm bảo các hoạt động bình thường và thống nhất

Phản xạ không điều kiện
- Có tính chất loài, bản năng, tồn tại vĩnh viễn, di truyền.
- Trung tâm của phản xạ nằm ở phần dưới của hệ thần kinh.
- Cung phản xạ cố định, phụ thuộc vào tác nhân kích thích và bộ phận nhận cảm.
Ví dụ: bú mẹ, bài tiết dịch tiêu hóa

Phản xạ có điều kiện
- Có tính chất cá thể, hình thành trong đời sống, luyện tập, có thể mất hoặc tái thành lập, không di truyền
- Trung tâm ở vỏ não
- Cung phản xạ phức tạp, không phụ thuộc vào tác nhân kích thích và bộ phận cảm thụ.
Ví dụ: học tập, trí nhớ

Khái niệm "điều kiện hoá" là cơ sở sinh lý học thiết lập những mối quan hệ mới nhằm thích nghi với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

Điều hoà bằng đường thể dịch

Các chất khí trong máu
Sự thay đổi nồng độ O2, CO2 trong máu kích thích các phản xạ của hệ tuần hoàn, hô hấp, vận động để đưa chúng về giá trị bình thường.

Các ion trong máu
- K+, Na+, Ca2+ , Mg2+ tham gia tạo điện thế màng, điện thế hoạt động, dẫn truyền xung động thần kinh trong sợi thần kinh và qua synap. Rối loạn nồng độ các ion này sẽ làm mất tính ổn định của nội môi và dẫn đến rối loạn hoạt động ở các tế bào đặc biệt là tế bào thần kinh, tế bào cơ như cơ tim, cơ vân, cơ trơn. - Ion Fe2+ tham gia cấu tạo hemoglobin, thiếu Fe2+ sẽ gây thiếu máu
- Các ion H+, Na+, K+, bicarbonat... đều đóng vai trò quan trọng trong điều hoà pH.

Các hormon                                                            
Đóng vai trò chủ yếu, do các các tế bào, tuyến nội tiết sản xuất, bài tiết vào máu, tới khắp cơ thể điều hoà chức năng chuyển hoá , sinh dục-sinh sản và phát triển cơ thể.

Cơ chế điều hoà ngược

Thế nào là điều hoà ngược?
- Sự thay đổi hoạt động chức năng nào đó sẽ có tác dụng ngược trở lại trung tâm điều khiển chức năng đó, tạo ra một loạt các phản ứng liên hoàn nhằm điều chỉnh hoạt động chức năng đó trở lại bình thường.

Điều hoà ngược âm tính
- Phổ biến, duy trì hằng định nội môi
- Có tác dụng làm tăng nồng độ một chất hoặc tăng hoạt động của một cơ quan khi nồng độ chất đó hoặc hoạt động của cơ quan đó đang giảm và ngược lại
Ví dụ, khi nồng độ CO2 trong dịch ngoại bào tăng sẽ kích thích trung tâm hô hấp, tăng thông khí phổi, đưa nồng độ CO2 trở lại bình thường
- Hiệu suất thường được không đạt 100%.

Điều hoà ngược dương tính
- Hiếm gặp, mang tính bảo vệ, diễn ra trong thời gian ngắn, không dẫn tới sự ổn định, có thể dẫn tới cái chết, đôi khi có lợi.
- Khi một yếu tố hoặc hoạt động chức năng của một cơ quan nào đó tăng, xảy ra một loạt các phản ứng càng làm tăng yếu tố đó hoặc hoạt động chức năng của cơ quan đó và ngược lại, khi đã giảm lại càng giảm thêm.
Ví dụ: đông máu, sổ thai, shock tuần hoàn …

KẾT LUẬN

- Cơ thể là một tập hợp bao gồm nhiều cơ quan và hệ thống cơ quan mà đơn vị cấu tạo là những tế bào - đơn vị của sự sống. Nếu một lượng đủ lớn tế bào chết là cơ thể sẽ chết.
- Tất cả hoạt động chức năng đều tiến đến mục đích cuối cùng là duy trì hằng tính nội môi.
- Mỗi tế bào, cơ quan đều có những đặc tính- chức năng riêng biệt nhưng đều liên quan chặt chẽ với nhau trong một cơ thể thống nhất để đảm bảo cho sự tồn tại, phát triển và tạo ra tính cá thể.

====================
Chương 2 - đại cương về cơ thể sống và hằng tính nội môi
* Đặc điểm của sự sống:
A. Thay cũ đổi mới
B. Chịu kích thích
C. Sinh sản giống mình
D. Cả 3 đặc điểm trên
D
* Sắp xếp theo trình tự quá trình điều chỉnh thân nhiệt khi cơ thể sốt:
(1) Hoạt hóa bộ phận đáp ứng;
(2) Tích hợp tín hiệu;
(3) hoạt hóa điều hòa ngược dương tính;
(4) hoạt hóa bộ phận nhân cảm;
(5) giảm điểm chuẩn nhiệt độ
A. 2 4 3 1 5
B. 5 3 2 4 1
C. 4 3 1 5 2
D. 4 2 1 3 5
E. 1 2 4 5 3
D
* Trong y học, sự mất khả năng duy trì hằng tính nội môi sẽ dẫn tới tình trạng bệnh lý.
A. Đúng
B. Sai
A
* Điều hòa cân bằng nội môi tạo ra những đáp ứng đặc hiệu của cơ hoặc xương.
A. Đúng
B. Sai
B
* Tăng nồng độ T3, T4 trong máu trong trường hợp bị lạnh là một ví dụ về điều hòa ngược âm tính.
A. Đúng
B. Sai
B
* Đông máu cũng là một quá trình điều hòa ngược dương tính.
A. Đúng
B. Sai
A
* Khi nồng độ glucose máu giảm đột ngột, nồng độ insulin tăng và nồng độ glucagon giảm để đưa glucose trở về mức bình thường.
A. Đúng
B. Sai
B
* Hằng tính nội môi (homeostasis) là điều kiện để tạo ra:
A. Sự ổn định môi trường bên trong cơ thể trong giới hạn sinh lý
B. Những đáp ứng với kích thích từ trong và ngoài cơ thể
C. Mức tiêu hao năng lượng thấp nhất mà vẫn đảm bảo được chức năng của chúng
A
* Hệ thống có chức năng bao bọc, chống đỡ, vận chuyển gồm:
A. Da, tóc, cơ, khớp
B. Da, cơ, xương, khớp
C. Hệ tiêu hoá, hệ hô hấp và hệ thống các tế bào trong cơ thể
B
* Hệ thống vận chuyển chất dinh dưỡng gồm các thành phần sau, trừ:
A. Máu
B. Dịch bạch huyết
C. Dịch kẽ
D. Dịch não tuỷ
E. Dịch nội bào
E
* Hệ thống bài tiết các sản phẩm chuyển hoá gồm các thành phần sau, trừ:
A. Hệ thống hô hấp
B. Hệ thống tiêu hoá
C. Hệ thống tiết niệu
D. Hệ thống miễn dịch
E. Da
D
* Cung phản xạ gồm 5 bộ phận: Trong điều hòa cân bằng nội môi, việc tăng hay giảm hoạt động của một bộ phận đáp ứng liên quan đầu tiên đến vai trò của:
A. Trung tâm tích hợp
B. Bộ phận nhận cảm
C. Cơ hoặc tuyến
D. Vòng feedback dương tính
E. Vòng feedback âm tính
A
* Đặc điểm nào sau không phải là của phản xạ không điều kiện (PXKĐK):
A. Tính bản năng
B. Tồn tại vĩnh viễn suốt đời
C. Di truyền
D. Có một cung phản xạ không cố định
E. Có tính chất loài, trung tâm của phản xạ nằm ở phần dưới của hệ thần kinh
D
* Đặc điểm nào sau không phải là của phản xạ có điều kiện (PXCĐK):
A. Được thành lập trong đời sống, sau quá trình luyện tập
B. Cung PXCĐK cố định
C. Trung tâm ở vỏ não
D. Không phụ thuộc vào tính chất của tác nhân kích thích và bộ phận cảm thụ
B
* Yếu tố điều hoà bằng đường thể dịch chủ yếu là:
A. Oxy
B. CO2
C. Các ion
D. Hormon
D
* Trường hợp tăng thông khí phổi khi nồng độ CO2 trong dịch ngoại bào tăng là ví dụ về:
A. Điều hòa chức năng thông khí phổi
B. Điều hòa chức năng trao đổi khí
C. Điều hòa ngược âm tính
D. Điều hòa ngược dương tính
E. Bài tiết sản phẩm chuyển hóa
C
* Trường hợp giảm thông khí phổi khi nồng độ CO2 trong dịch ngoại bào giảm là ví dụ về:
A. Điều hòa chức năng thông khí phổi
B. Điều hòa chức năng trao đổi khí
C. Điều hòa ngược âm tính
D. Điều hòa ngược dương tính
E. Bài tiết sản phẩm chuyển hóa
C
* Trường hợp nhịp tim giảm khi huyết áp tăng là ví dụ về:
A. Điều hòa hoạt động giữa tim và hệ mạch máu
B. Điều hòa hoạt động giữa tim và hệ thần kinh
C. Điều hòa hoạt động giữa hệ thần kinh và hệ mạch máu
D. Điều hòa ngược âm tính
E. Điều hòa ngược dương tính
D
* Trường hợp nhịp tim tăng khi huyết áp giảm là ví dụ về:
A. Điều hòa hoạt động giữa tim và hệ mạch máu
B. Điều hòa hoạt động giữa tim và hệ thần kinh
C. Điều hòa hoạt động giữa hệ thần kinh và hệ mạch máu
D. Điều hòa ngược âm tính
E. Điều hòa ngược dương tính
D
* Mục đích của điều hòa ngược âm tính
A. Điều hòa hoạt động các mô của cơ thể
B. Điều hòa nồng độ các chất trong dịch ngoại bào
C. Duy trì sự ổn định nội môi
D. Duy trì nhiệt độ hằng định cho sự ổn định các chức năng cơ thể
C         
* Một ví dụ về điều hòa ngược dương tính:
A. Điều nhiệt
B. Điều hòa nồng độ glucose/máu
C. Sổ thai
D. Điều hòa nồng độ calci/máu
C
* Một ví dụ về điều hòa ngược dương tính:
A. Điều nhiệt
B. Điều hòa nồng độ glucose/máu
C. Stress
D. Điều hòa nồng độ calci/máu
C
* Một ví dụ về điều hòa ngược dương tính:
A. Điều nhiệt
B. Điều hòa nồng độ glucose/máu
C. Sự hình thành nút tiểu cầu
D. Điều hòa nồng độ calci/máu
C
* Một ví dụ về tác dụng không có lợi của điều hòa ngược dương tính:
A. Sổ thai
B. Stress
C. Mất đột ngột 2 lít máu
D. Sự hình thành nút tiểu cầu
C