PGSTS. Vũ Thị Bích Hạnh
Mục tiêu: sau khi học bài này, học viên có khả năng:
1. Trình bày được khái niệm về giao tiếp và các hình thức giao tiếp
2. Kể lại được các phạm vi của ngôn ngữ trị liệu
3. Phát hiện được người có khó khăn về nghe- nói
4. Nêu được nguyên tắc PHCN cho một số dạng có khó khăn về giao tiếp.
(3T)
Ngôn ngữ trị liệu là một chuyên ngành trong phục hồi chức năng, nó
nghiên cứu và giải quyết các bệnh lý gây khó khăn về giao tiếp.
1. Một số
khái niệm về giao tiếp:
Giao tiếp là quá trình trao đổi thông tin, nhu cầu, tình cảm giữa ít
nhất hai đối tượng, nhờ các hình thức khác nhau của ngôn ngữ.
Quá trình này mang tính hai
chiều: vai trò gửi và nhận thông tin được luân chuyển
giữa các đối tượng giao tiếp, một người là người gửi thông điệp - hay là người
khởi xướng, còn người kia đáp ứng- hay là người nhận thông điệp. Không thể có
giao tiếp tốt nếu không có sự luân phiên vai trò này. Quá trình này có thể được
mô tả bằng sơ đồ sau:
Phương tiện để truyền đạt thông điệp chính là ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu được mã
hoá một cách võ đoán, được một cộng đồng chấp nhận và sử dụng. Ngôn ngữ là
sản phẩm của quá trình tư duy, nhờ hoạt động của não. Người ta giao tiếp bằng
các hình thức khác nhau của ngôn ngữ: có lời và không lời. Đối với một người
bình thường, lời nói là hình thức được sử dụng nhiều và dễ dàng nhất. Nhưng người
có khó khăn về giao tiếp lại phải dùng nhiều hình thức giao tiếp khác nhau nhằm
đạt được hiệu quả mong muốn, đặc biệt những người không thể dùng lời nói để
giao tiếp (người bị câm điếc). Các hình thức giao tiếp có thể biểu diễn tóm tắt
ở sơ đồ dưới đây:
• Các hình thức giao tiếp
Ngôn ngữ có lời gồm: lời nói và chữ viết. Ngôn ngữ không lời gồm
ngôn ngữ cơ thể (giao tiếp bằng nét mặt, ánh mắt, tư thế cơ thể, giọng nói), dấu
và hình vẽ. Qua ánh mắt, nét mặt, cử chỉ, giọng nói của người đối thoại, ta có
thể đoán được nhiều điều: tâm trạng, sự chân thành, hứng thú giao tiếp.. mặc dù
điều đó không được nói ra.
Dùng dấu để giao tiếp gồm các kỹ năng: ra hiệu bằng những
cử động của tay thông thường (ví dụ: “ra đây!”, “ngồi xuống!” hoặc “yên lặng!”).
Những cử chỉ này không cần quy ước, mọi người đều hiểu và sử dụng được. Nhưng ở
trong những trường, lớp đặc biệt, trẻ câm điếc được dạy một hệ thống dấu khác,
được quy ước và sử dụng chung. Hệ thống dấu này được chia thành những bộ dấu
theo các chủ đề như: các đại từ nhân xưng (bố, mẹ, anh chị, em..); danh từ chỉ
vật, từ hành động... Những nhược điểm của hệ thống dấu này được hoàn chỉnh nhờ
bộ dấu chữ cái ngón tay. Mỗi chữ cái trong bảng an-pha-bê của tiếng Việt, các
thanh điệu và số được mã hoá thành những tư thế khác nhau của ngón tay, bàn
tay. Nhờ nó mà người câm điếc có thể giao tiếp về mọi chủ đề phức tạp nhất.
2. Nguyên
nhân gây khó khăn về giao tiếp: có 3 nhóm
2.1. Trước khi sinh:
Dị dạng tai, khiếm khuyết vành tai
Dị dạng miệng (khe hở vòm miệng)
Mẹ ốm trong khi mang thai (rubeon, tiêm chủng)
Dinh dưỡng mẹ- thai nhi (thiếu iot khiến trẻ bị chậm phát triển trí
tuệ)
2.2. Trong khi sinh
Đẻ non, chấn thương não do can thiệp sản khoa (bại não)
2.3. Sau khi sinh:
Bệnh nhiễm trùng: viêm màng não mủ, sởi, quai bị, viêm não gây các
di chứng não, chậm phát triển trí tuệ và tổn thương thính giác.
Do thuốc (streptomycin, gentamycine, quinin..) gây điếc
Lão hoá: tuổi tác đi kèm với thoái hoá thần kinh thính giác gây nghe
kém
Môi trường ồn: gây điếc do môi trường làm việc.
3. Phát
hiện người có KK về giao tiếp:
Những người có khó khăn về giao tiếp có thể thể hiện một số dấu hiệu
như:
- Không nghe thấy / không hiểu hoặc hiểu kém những điều mọi người
xung quanh nói
- Không nói được hoặc nói không rõ giống những người cùng tuổi ở cộng
đồng, khiến mọi người xung quanh khó hiểu
- Người thu mình lại không giao tiếp
* Cách kiểm tra khả năng
nghe:
Trẻ dưới 6 tháng: để trẻ nằm ngửa trên bàn, đứng phía đầu trẻ, cách nửa mét và vỗ tay
hoặc dùng xúc xắc phát ra tiếng động. Nếu nghe thấy, trẻ sẽ quay đầu về nơi
phát ra tiếng động.
Trẻ từ 6 tháng- 3 tuổi: để trẻ ngồi quay mặt về phía mẹ. Người khám đứng sau lưng trẻ cách
3m, vỗ tay hoặc gọi tên trẻ, xem trẻ có quay lại hay không.
Trẻ trên 3 tuổi và người lớn: đứng sau lưng người bệnh 3m, nói bình thường, yêu cầu họ thực hiện
mệnh lệnh. Ví dụ: “giơ tay phải lên”, “giơ 3 ngón tay trái lên...”. Xem họ thực
hiện có đúng không.
Khi có nghi ngờ người bị nghe kém, hãy gửi họ đi khám chuyên khoa
Tai mũi họng để kiểm tra và đo thính lực. Hãy
kiểm tra tai trẻ để phát hiện có chảy mủ tai hay không và cho điều trị viêm
tai giữa nếu có.
• Kiểm tra khả năng hiểu:
Yêu cầu trẻ hoặc bệnh nhân thực hiện một số mệnh lệnh; VD: “hãy đưa
chìa khóa cho tôi và đặt cái thìa lên bàn!”. “Hãy rót nước và để cốc lên ghế!”....
Nếu trẻ/ BN làm đúng các mệnh lệnh đó, có nghĩa là họ hiểu những điều chúng ta
nói.
• Kiểm tra khả năng nói:
Hãy nói chuyện tự nhiên với trẻ/ BN. Hãy đặt một số câu hỏi về cá
nhân, công việc của họ, tinh hình sức khỏe, gia đình họ. Nếu họ nói chuyện tự
nhiên dễ dàng giống như mọi người cùng tuổi khác, có nghĩa họ không có khó khăn
về nói hoặc phát âm.
Nếu thấy BN hoặc trẻ có khó khăn về nghe, về hiểu và
làm theo các mệnh lệnh hoặc nói kém, cần cho trẻ hoặc BN khám tai mũi họng, đo
thính lực và khám chuyên khoa Ngôn ngữ trị liệu.
4.
Nguyên tắc can thiệp ngôn ngữ trị liệu
Nguyên tắc 3 T: nội dung của nó là những người xung quanh cần thay đổi cách giao tiếp
của mình để người tàn tật có thể hiểu và học được ngôn ngữ dễ hơn khi giao tiếp
với họ.
T1 - Theo ý thích của trẻ: để trẻ tập trung lâu hơn và nhớ lâu hơn
Bằng cách: Chờ đợi quan sát và lắng nghe xem trẻ thích gì, quan tâm
đến điều gì. Bằng cách chờ đợi, trẻ sẽ tự khởi xướng và chủ động giao tiếp .
T2 - Thích ứng với trẻ: người lớn thay đổi cách giao tiếp của mình cho phù hợp với trẻ tàn
tật
Bằng cách:
+ Mặt ngang mặt để trẻ
nhìn miệng người nói, trẻ sẽ quan sát nét mặt ánh mắt của người đối thoại và hiểu
người khác nói gì.
+ Nói chậm, câu ngắn, từ
đơn giản, kết hợp với dùng dấu, cử chỉ điệu bộ và kỹ
năng không lời khác để trẻ dễ hiểu hơn.
+ Giao tiếp có lần có lượt, không tranh lượt chơi hoặc lượt nói của trẻ.
T3 - Thêm từ mới và thông
tin mới khi giao tiếp với trẻ
Bằng cách:
Nói về mọi vật, sự việc đang diễn ra quanh trẻ.
Tưởng tượng và nói về các việc đã đang và sẽ xảy ra.
Nhắc đi nhắc lại nhưng từ đã học.
Bằng những kỹ năng này, trẻ sẽ có nhiều cơ hội hơn, và được khuyến
khích giao tiếp. Mục đích giao tiếp với trẻ là hội thoại càng kéo dài càng tốt
và trẻ bị cuốn hút, tham gia giao tiếp một cách chủ động và hào hứng.
5. Phạm
vi can thiệp của ngôn ngữ trị liệu: Bệnh lý về giao tiếp
5.1. Bệnh
lý ngôn ngữ:
5.1.1. Thất ngôn
Là tình trạng mất khả năng hiểu và tạo các tín hiệu ngôn ngữ do tổn
thương não; gồm các khả năng ngôn ngữ như: hiểu lời nói, hiểu chữ viết (đọc hiểu),
biểu đạt bằng lời nói và biểu đạt bằng chữ viết. 85% các trường hợp thất ngôn
là do tai biến mạch não bán cầu trái. Có nhiểu thể thất ngôn, nhưng có thể phân
ra những nhóm như: rối loạn khả năng hiểu, rối loạn khả năng diễn đạt ngôn ngữ
hoặc phối hợp.
5.1.2. Chậm phát triển
ngôn ngữ ở trẻ em:
Là hiện tượng thụ đắc ngôn ngữ mẹ đẻ muộn hơn, hạn chế và khó khăn
hơn do chậm phát triển trí tuệ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này,
nhưng một trong những lý do thường gặp là do thiếu iot trong quá trình mẹ mang
thai. Phát hiện chậm phát triển trí tuệ và ngôn ngữ dựa trên sự phát triển bình
thường của trẻ. Nguyên tắc dạy ngôn ngữ cho trẻ cũng phải dựa vào quá trình
phát triển các hình thức ngôn ngữ bình thường.
5.13. Tự kỷ:
Là dạng khuyết tật phát triển của trẻ em, đặc trưng bởi rối loạn
hành vi, khả năng ngôn ngữ và quan hệ xã hội.
5 dấu hiệu phát hiện sớm
trẻ tự kỷ:
- Chậm phát triển và sử dụng ngôn ngữ không lời kém
- Gọi tên không quay lại, không biết “dạ”
- Không nói nhiều từ đơn ở độ tuổi 16 tháng
- Không nói câu có từ ghép ở độ tuổi 24 tháng - Mất ngôn ngữ ở bất kỳ
độ tuổi nào.
Chẩn đoán xác định dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-IV của Hôi Tâm
thần Mỹ 1994
5.2. Rối
loạn ngôn ngữ của trẻ câm điếc:
Tần số (Hz)
Tai người nghe được các âm thanh có tần số từ 20 tới 20000Hz. Cường
độ âm thanh mà người bình thường nghe được khoảng dưới ngưỡng 20dB trong điều
kiện yên lặng. Bên đây là biểu đồ 80 ngưỡng nghe và phân độ điếc 90
Nghe kém là khi ngưỡng nghe của một người cao hơn so với bình thường,
chẳng hạn:
Từ 20-40dB: điếc nhẹ
40-70dB: điếc vừa
70-90dB: điếc nặng
90-120dB: điếc sâu
Trên 120dB: điếc đặc
Giọng nói bình thường trước đám đông (lớp học) khoảng 50-60 dB. Nếu
ngưỡng nghe ở các tần số đều trên 70dB thì bị coi là điếc. Điếc do bệnh lý của
tai ngoài và tai giữa gọi là điếc dẫn truyền. Nếu nguyên nhân thuộc tai trong
và thần kinh thính giác gọi là điếc tiếp nhận.
Trẻ nghe kém có thể đeo máy trợ thính (khi ngưỡng nghe dưới 70dB),
còn trẻ điếc (ngưỡng nghe trên 70 dB) đeo máy trợ thính ít có khả năng học nói
được bình thường. Ngày nay những trẻ này thường được cấy điện cực ốc tai từ nhỏ
và có thể học nói được bình thường nếu kết hợp với phục hồi chức năng ngôn ngữ.
5.3. Bệnh
lý lời nói và phát âm:
Bao gồm nói ngọng và nói lắp. Nói ngọng là những trường hợp nói không
rõ ràng, không tròn vành rõ tiếng và không theo được chuẩn mức phát âm mà cộng
đồng dân cư đó chấp nhận. Theo tổn thương giải phẫu của cơ quan phát âm, nói ngọng
chia làm ngọng chức năng và ngọng thực thể
5.3.1. Ngọng chức năng
Là khi không có khiếm khuyết hoặc cấu tạo bất thường của cơ quan
phát âm. Ngọng chức năng gồm ngọng phát
triển; ngọng do thói quen phát âm sai
và nói tiếng địa phương
• Ngọng phát triển và ngọng
do thói quen:
Là những trường hợp trẻ nói ngọng theo thói quen từ nhỏ và không được
sửa kịp thời. Những trẻ này thường không bị bất kỳ khuyết tật nào ở cơ quan
phát âm. Trẻ nói ngọng có thể bị hoặc không bị nghe kém. Nên cho trẻ đi kiểm
tra thính lực. Trẻ có thể học nói như các trẻ khác hoặc muộn hơn..
* Có thể có ngọng phụ âm đầu:
Ví đụ “chó” thành “có” hoặc “ó”...
* Ngọng phần vần:
- “ tránh” thành “trắn”...
- “ voi” thành “vo”...
* Ngọng thanh điệu: “cũ”
thành “cú”...
• Ngọng do nói tiếng địa
phương: mỗi vùng miền có phương ngữ riêng, nếu so với
phát âm được quy định chuẩn là dân cư ở Hà Nội thì một số vùng có thể nói ngọng
âm đầu (n/l) hoặc ngọng vần, hoặc ngọng thanh điệu (hỏi, ngã)…
Người ta không sửa tiếng địa phương trừ khi cư dân đó có nhu cầu.
5.3.2. Ngọng thực thể:
Khi có khiếm khuyết của cơ quan phát âm. Cần được khám chuyên khoa
Ngôn ngữ trị liệu để phát hiện. Các khiếm khuyết có thể là: do phanh lưỡi, do
khe hở môi, vòm miệng, do bất thường cấu trúc của hầu họng, do nghe kém hoặc do
bại não, chậm phát triển trí tuệ- vận động; tổn thương thần kinh khác… Những
trường hợp này cần có can thệp khác ngoài ngôn ngữ trị liệu.
Phát hiện nói ngọng: khi thấy người bệnh hoặc trẻ nói không rõ, cần được đành giá phát
âm. Khi đó, cần khám cơ quan phát âm để tìm các dị tật, khiếm khuyết, sau đó trẻ
nói theo bảng từ thử.
Cách sửa phát âm:
+ Nói chậm để làm mẫu âm sai để trẻ bắt chước
+ Viết ra một loạt các từ chứa âm sai để trẻ đọc
+ Sửa âm sai khi trẻ đọc hoặc nói.
5.3.3. Nói lắp:
Là bệnh lý về sự lưu loát. Mất lưu loát khiến nói trở nên khó nhọc,
kém trôi chảy. Có nhiều dạng nói lắp:
+ Lắp một âm vị: “ch..ch..ch..cháu tên là...”
+ Lắp một từ: “Ngày..ngày..ngày..ngày mai được nghỉ học”
+ Lắp cả một ngữ: “Con không.. con không.. con không thích cái ôtô
này”
Nói lắp thường do thói quen. Nếu ngay khi mới bị nói lắp, bạn lưu ý
trẻ ngay trẻ sẽ tự chỉnh được. Có một số trẻ thích nói lắp để được chú ý. Còn ở
trẻ lớn hơn, khi đã bị nói lắp thường xấu hổ và lo lắng về tật nói lắp của mình,
do vậy trẻ càng dễ bị nói lắp hơn, đặc biệt khi trẻ lo lắng.
+ Điều trị nói lắp: gồm điều trị về
tâm lý và huấn luyện một số kỹ năng nói
* Điều trị tâm lý:
BN cần được phân tích về tâm lý, điều trị về tâm lý và được tư vấn về
hành vi, cư xử. Giảm bớt căng thẳng và lo lắng của trẻ:
Nếu trẻ nói lắp trong một số tình huống như sắp đọc bài, bị mắng, đến
chỗ lạ...
cần tạo cho trẻ một không khí thư giãn, nhẹ nhàng
* Tập thở:
Nên hướng dẫn trẻ tập thở chậm, và nhẹ nhàng. Đặc biệt trước khi trẻ
nói, cần hít sau và thở ra chậm vài lần rồi mới nói. Cách này có thể giúp trẻ
chuẩn bị tốt và thư giãn trước khi nói.
* Nói chậm, câu ngắn: Nhắc để trẻ nói bằng những câu ngắn vài ba từ, trẻ có thời gian
nghĩ và bớt nói lắp.
5.4. Rối
loạn ngôn ngữ- phát âm do bệnh lý thần kinh:
Phần này đề cập đến các khiếm khuyết ngôn ngữ, trí tuệ, phát âm, tạo
âm thanh ở trẻ bại não, người bị Parkinson... Do bị nhiều khiếm khuyết về thính
giác, thị giác, vận động, thở, nhai nuốt… nên trẻ hiểu chậm, nghe kém, nói khó
và không rõ ràng.
* Dạy trẻ thổi hơi ra thật
dài: thổi bong bóng, thổi cuộng rơm vào cốc nước,
thổi nến, hoặc lông gà...
* Giúp trẻ tạo âm thanh:
+ Để trẻ bắt chước các âm của bạn: lúc đầu nên tạo các âm: “a,o, e,
i,...” Có thể phải làm nhiều ngày các âm đó mới rõ ràng.
+ Sau đó dạy trẻ tạo các âm “mamama, baba, tata, chacha..”
+ Khi trẻ đã bắt chước được một số âm, hãy dạy trẻ gọi tên những người
thân, tên một số thức ăn, đồ vật quanh chúng.
+ Khi trẻ đã nói được khá nhiều từ đơn, hãy tập cho trẻ ghép vài ba
từ lại . Ví dụ: trẻ nói “mẹ”, bạn hãy nhắc trẻ “ mẹ nấu cơm” hoặc “chị học
bài”...
* Nếu trẻ không thể phát âm
được:
Mặc dù bạn và trẻ đều đã cố gắng rất lâu những trẻ vẫn không thể
phát âm được, bạn có thể dùng một số cách sau để giao tiếp với trẻ và dạy trẻ
giao tiếp.
+ Hãy làm nhiều bảng tranh để giao tiếp với trẻ. Bảng tranh là những
tờ giấy, trên mỗi mặt, hãy vẽ từ 4-8 tranh.
Mỗi bảng tranh chỉ vẽ những hình vẽ theo các chủ đề : các thức ăn,
các đồ uống, các hoạt động của trẻ... Khi cần nói chuyện với trẻ, bạn hãy để tờ
tranh lên bàn, trước mặt trẻ và hỏi; ví dụ: “hôm nay con muốn ăn gì?”, trẻ sẽ
chỉ vào một trong các tranh để trả lời “cá” hoặc ‘trứng”...
Trẻ có thể dùng nhiều bảng tranh để ghép thành câu như : “ hôm nay
con muốn chơi với chị Hương”. Bạn hãy thường xuyên sử dụng những bảng tranh này
để nói chuyện với trẻ.
5.5. Rối
loạn giọng:
Các bất thường của giọng nói như: nói khàn, giọng hơi, mất tiếng, hoặc
giọng bất thường khác đều có nguyên nhân các bệnh lý của tai mũi họng như: viêm
thanh quản, hạt xơ hoặc polyp, u nang dây thanh, ung thư thanh quản… Những trường
hợp đó cần khám chuyên khoa và điều trị bệnh tai mũi họng sau đó can thiệp ngôn
ngữ trị liệu.
Kết luận: Đây là những nét sơ lược những vấn đề chính của phục hồi chức năng
các bệnh lý ngôn ngữ và lời nói. Những nội dung này có thể áp dụng được ở tuyến
y tế cơ sở giúp giải quyết những khó khăn về giao tiếp cho phần lớn trẻ tàn tật
nhẹ ở cộng đồng.