2019-05-16

chẩn đoán ngôi, thế, kiểu thế


Chẩn đoán ngôi, thế, kiểu thế

Mục tiêu:
- Viết ra được định nghĩa ngôi, thế và kiểu thế
- Kể ra được 5 loại ngôi cùng các điểm mốc tương ứng
- Mô tả được các bước khám chẩn đoán ngôi thế và kiểu thế

Định nghĩa:

Ngôi:

Ngôi: là phần của thai nhi trình diện trước mặt phẳng eo trên khung chậu người mẹ khi mang thai hoặc khi chuyển dạ.

Ngôi trong khi có thai có thể khác khi chuyển dạ.

Về cơ bản thì có 2 loại ngôi:

1. Ngôi dọc:
- trục của thai nhi trùng với trục của tử cung, trục của tử cung là từ trên xuống dưới, từ đáy tử cung đến cổ tử cung.

Trong ngôi dọc có 2 loại:
- ngôi đầu: đầu thai nhi trình diện trước eo trên. Ngôi đầu gồm:
+ ngôi chỏm: phần chẩm của thai trình diện trước eo trên.
+ ngôi trán
+ ngôi mặt
(Tùy thuộc vào độ cúi của ngôi)

- ngôi mông: hay còn gọi là ngôi ngược, là mông của thai nhi trình diện trước eo trên. Ngôi mông gồm:
+ ngôi mông hoàn toàn: hay còn gọi là ngôi mông đủ, tức là khớp háng và gối gấp lại, mông trình diện trước eo trên, giống như đứa trẻ ngồi xổm.
+ ngôi mông không hoàn toàn: ngôi mông thiếu. gồm:
o kiểu mông: hai chân vắt ngược lên trên cổ, trên tai, chỉ có mông ở dưới. Gọi là ngôi mông không hoàn toàn kiểu mông.
o kiểu đầu gối: thai nhi quỳ ở trong buồng tử cung.
o kiểu chân: thai đứng hẳn trong buồng tử cung, hai bàn chân ở lỗ trong cổ tử cung.

2. Ngôi ngang: ngôi vai
- trục của thai nhi vuông góc hoặc bắt chéo với trục của tử cung người mẹ.
- do vậy, khi mông thai hoặc đầu thai chếch sang một bên thì cũng được gọi là ngôi ngang.

(!) ngoài ra thì ta có thể gặp những ngôi phức hợp khác.



Mốc của ngôi:
Mỗi loại ngôi thai thì đều có một điểm mốc nhất định, dựa vào các điểm mốc đó ta phân biệt các loại ngôi thai.

Ngôi chỏm: mốc là xương chẩm (thóp sau)
Ngôi trán: mốc là gốc mũi
Ngôi mặt: mốc là mỏm cằm
Ngôi mông: mốc là đỉnh xương cùng
Ngôi vai: mốc là mỏm vai

Độ cúi của ngôi:
Độ cúi của ngôi liên quan đến tiên lượng của một cuộc đẻ.
Bình thường độ cúi của ngôi chỏm trong cuộc chuyển dạ là: đầu cúi hoàn toàn, cằm gập sát vào phần trên của ngực, phần chẩm được trình diện trước eo trên.
Nếu đầu không cúi hết sẽ dẫn đến ngôi trán và nếu cổ ngửa ra thì dẫn đến ngôi mặt.

Thế:
Thế là tương quan giữa điểm mốc của ngôi thai (chú ý là điểm mốc của ngôi chứ không phải là diện lưng) với bên phải hoặc bên trái khung chậu của người mẹ.
Như vậy mỗi thai sẽ có thể có thế phải hoặc thế trái.

Kiểu thế:
Kiểu thế là mối tương quan giữa điểm mốc của ngôi với vị trí trước, ngang hay sau khung chậu của người mẹ.
Mỗi một thể lại có 3 kiểu thế tùy theo mốc của ngôi:
- nằm ở vị trí khớp cùng chậu (kiểu thế sau)
- nằm ở gờ vô danh (kiểu thế ngang)
- nằm ở dải chậu lược (kiểu thế trước)
Muốn xác định được kiểu thế của ngôi ta phải xác định được ngôi, mốc của ngôi và thế, sau đó mới xác định được kiểu thế.

Ngôi chỏm:
Chẩm chậu trái trước (CCTT)
Chẩm chậu trái ngang (CCTN)
Chẩm chậu trái sau (CCTS)

Chẩm chậu phải trước (CCFT)
Chẩm chậu phải ngang (CCFN)
Chẩm chậu phải sau (CCFS)

Ngôi trán:
Mũi chậu trái trước (MCTT)
Mũi chậu trái ngang (MCTN)
Mũi chậu trái sau (MCTS)

Mũi chậu phải trước (MCFT)
Mũi chậu phải ngang (MCFN)
Mũi chậu phải sau (MCFS)

Ngôi mặt:
Cằm chậu trái trước (CmCTT)
Cằm chậu trái ngang (CmCTN)
Cằm chậu trái sau (CmCTS)

Cằm chậu phải trước (CmCFT)
Cằm chậu phải ngang (CmCFN)
Cằm chậu phải sau (CmCFS)

Ngôi mông:
Cùng chậu trái trước (CgCTT)
Cùng chậu trái ngang (CgCTN)
Cùng chậu trái sau (CgCTS)

Cùng chậu phải trước (CgCFT)
Cùng chậu phải ngang (CgCFN)
Cùng chậu phải sau (CgCFS)

Ngôi vai:
Vai chậu trái trước (VCTT)
Vai chậu trái ngang (VCTN)
Vai chậu trái sau (VCTS)

Vai chậu phải trước (VCFT)
Vai chậu phải ngang (VCFN)
Vai chậu phải sau (VCFS)

* Kiểu thế sổ:
Khi ngôi đã xuống eo giữa và eo dưới thì tùy theo cơ chế đẻ mà điểm mốc của ngôi so với khung chậu của người mẹ, ta sẽ có kiểu thế sổ của ngôi:
Ngôi chỏm có 2 kiểu sổ: chẩm vệ và chẩm cùng
Ngôi ngược (ngôi mông) có 2 kiểu sổ: cùng ngang trái và cùng ngang phải
Ngôi mặt: có 1 kiểu sổ là cằm - vệ và 1 kiểu không thể sổ được là cằm - cùng => mổ lấy thai.
Ngôi vai (ngôi ngang), ngôi trán: không có kiểu thế sổ vì không thể lọt được => mổ lấy thai

Chẩn đoán ngôi, thế, kiểu thế:

* Hỏi:
- Thai đạp phía trên hay phía dưới
- Thai đạp bên phải hay bên trái của sản phụ

* Nhìn:
- Bụng có hình trứng trong ngôi dọc hay bề ngang trong ngôi vai.

* Sờ nắn: 4 thủ thuật Léopold
thai phụ nằm ngửa, hai chân chống, đùi tạo với mặt giường góc 45 độ.
Thường thì người khám đứng bên phải sản phụ.

1. Nắn vùng đáy tử cung để xác định cực nào của thai thi (đầu hay mông) ở đó.
Nếu khối có chỗ rắn và chỗ mềm, không tròn, ít di động thì thường đó là khối mông. Nếu sờ thấy khối rắn chắc, tròn đều, dễ di động như cục nước đá thì xác định đó là đầu của thai nhi.
Đa phần sờ rất dễ, tuy nhiên trong một số trường hợp, nhất là thai non tháng hoặc người sản phụ béo, thành bụng dày thì khó xác định được ngôi của thai.

2. Nắn nhẹ nhàng nhưng sâu ở hai bên bụng để xác định bên nào là lưng, bên nào là chi của thai nhi.
Nếu là lưng thì ta sờ thấy một diện phẳng, đều, còn bên lổn nhổn, không đều ta có thể xác định đó là phần chi.
+ Sờ thấy diện lưng và ít các cực chi => thai nhi nằm sấp, kiểu thế trước.
+ Sờ được ít diện lưng và nhiều cực chi lổn nhổn => thai nhi nằm ngửa, kiểu thế sau

3. Dùng ngón cái và các ngón còn lại của bàn tay phải nắn vùng trên khớp vệ của sản phụ để xác định ngôi thai (đầu hay mông).

4. Dùng đầu các ngón tay ấn sâu trên khớp vệ theo trục của eo trên, giúp xác định độ lọt của ngôi.
# Người khám xoay mặt về phía chân của sản phụ, dùng cạnh một bàn tay ấn sâu xuống bờ trên của khớp vệ (xác định độ lọt). Nếu ấn xuống dễ dàng thì đầu thai còn cao. Nếu đầu chúc trong tiểu khung rồi thì ta không thể đặt cạnh bàn tay xuống được nữa.

* Nghe tim thai:
Trước đây, việc nghe tim thai kinh điển bằng ống gỗ khá khó, phải xác định điểm nghe rất chính xác thì mới nghe được mờ nhạt.
Hiện giờ thì có doppler cầm tay cũng như máy siêu âm, monitoring rất phổ biến cho nên việc bắt được ổ tim thai rất dễ. Có thể để đầu dò rất xa nhưng hướng đúng vào ổ tim thai thì vẫn bắt được nhịp tim thai.
+ Vị trí: trên hay dưới rốn, gần hay xa đường giữa
+ Ngôi chỏm, ngôi mông: nghe rõ nhất ở phía lưng thai
+ Ngôi mặt: nghe rõ nhất ở phía ngực thai

* Thăm âm đạo:
Khi chuyển dạ, cổ tử cung mở thì khám âm đạo giúp chẩn đoán chính xác ngôi, thế, kiểu thế.

* Xác định mốc của ngôi:
+ Ở vị trí 10-11h hoặc 1-2h là kiểu thế trước.
+ Ở vị trí 3h hoặc 9h là kiểu thế ngang.
+ Ở vị trí 7-8h hoặc 4-5h là kiểu thế sau.

* Cận lâm sàng:
+ Siêu âm: an toàn, chính xác, sử dụng trong trường hợp khó: sản phụ quá béo, thành bụng dày, chắc.
+ Chụp X quang: khi không có phương tiện siêu âm.
Đôi khi cũng phải sử dụng đến X quang để xác định vị trí, tư thế hoặc thành phần của thai. Song từ khi có siêu âm thì vai trò của X quang ngày càng ít đi.


Hạn chế dùng thuật ngữ "ngôi đầu"

Mốc: chấm (C), mũi (M), cằm (Cm), cùng (Cg)

Thế phải thì thường đẻ lâu hơn.

Bước 3 của thủ thuật Leopold dùng 1 bàn tay (các bước khác dùng 2 bàn tay).

Song thai => không dùng thủ thuật Leopold.

Khái niệm thai to là khác nhau đối với từng trường hợp bệnh nhân, ví dụ: con so # con dạ, ngôi mông? Song thai?
(!) ngôi vai sa tay