2018-07-08

Chương 15 - sinh lý neuron


Chương 15 - sinh lý neuron

GIỚI THIỆU

Mục tiêu học tập:
1. Trình bày được khái quát cách tổ chức-chức năng của hệ thống thần kinh
2. Trình bày được đặc điểm cấu trúc - chức năng của neuron.
3. Trình bày được các biểu hiện điện của neuron.
4. Trình bày được đặc điểm dẫn truyền tín hiệu trong hệ thống thần kinh

ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC - CHỨC NĂNG CỦA NEURON

Mô thần kinh

Cấu trúc của nơron
Thành phần chính của nơron gồm: đuôi gai, thân, sợi trục

- Đuôi gai: tiếp nhận tín hiệu                                            
Tua bào tương ngắn, gần thân và lan ra xung quanh thân, có nhiều receptor tiếp nhận đặc hiệu chất truyền đạt thần kinh.

- Thân neuron: tiếp nhận tín hiệu
Thân có hình dáng và kích thước rất khác nhau (hình sao, hình tháp, hình cầu) do các ống siêu vi và các tơ thần kinh tạo nên bộ khung tế bào
Màng của thân có nhiều receptor tiếp nhận chất truyền đạt thần kinh, kênh ion đóng mở do chất gắn
Bào tương chứa nhân, ribosom, lưới nội bào có hạt (tập trung thành các thể Nissl-tạo màu xám mô thần kinh), ty thể, bộ Golgi, , lipofuscin-sắc tố già.

- Sợi trục: truyền tín hiệu
Sợi trục dài từ vài mm - vài chục cm, vùng gò Hillock có nhiều kênh Na+ đóng mở do điện thế, chia thành các nhánh tận cùng, đầu nhánh tận cùng là cúc tận cùng chứa nhiều bọc nhỏ có chất truyền đạt thần kinh. Gồm hai loại sợi là sợi có myelin và sợi không có myelin.

Sợi có myelin được bọc bởi các tế bào Schwann bài tiết myelin (lipoprotein), có tính cách điện. Bao myelin không liên tục, bị đứt quãng thành đoạn 11,5mm ở các eo Ranvier.
Cúc tận cùng có các bọc nhỏ chứa chất truyền đạt thần kinh (neurotransmitter).

- Có 3 loại neuron chính là

+ Neuron cảm giác
Phát hiện ra những thay đổi bên trong cơ thể và ngoài môi trường
Truyền thông tin về não và tủy sống

+ Neuron trung gian (neuron liên hợp)
Bổ sung chức năng
Kết nối giữa dẫn truyền cảm giác và vận động trong hệ thần kinh trung ương
90% neuron của cơ thể là neuron trung gian
Xử lý, lưu giữ và khôi phục thông tin

+ Neuron vận động
Mang tín hiệu cho các tế bào cơ và các hạch

Các chất truyền đạt thần kinh (neurotransmitter)
Nhóm có trọng lượng phân tử nhỏ
Nhóm có trọng lượng phân tử lớn
Bản chất là acid amin
Bản chất là peptid (peptid thần kinh, peptid não). 
Ví dụ: acetylcholin, noradrenalin, dopamin, GABA, serotonin, glycin…
Ví dụ: endorphin, vasopressin, enkephalin, chất P, neurotensin, ACTH...
Tác dụng nhanh, gây ra phần lớn các đáp ứng vận động, cảm giác
Tuy lượng peptid não được giải phóng ít nhưng tác dụng mạnh, kéo dài
Được tổng hợp ở cúc tận cùng, mỗi nơron chỉ sản xuất một chất truyền đạt thần kinh
Được tổng hợp ở thân nowrron, mỗi  nơron có thể giải phóng một hay nhiều peptid não
Có thể tái sử dụng
Không được tái sử dụng
                            
HƯNG PHẤN Ở NEURON

Đặc tính sinh lý của neuron
Tính hưng phấn: neuron là những tế bào có tính hưng phấn cao thậm chí có khả năng tự hưng phấn. Cơ sở của đặc tính sinh lý này là sự phân cực của màng trong trạng thái nghỉ (điện thế nghỉ) và sự khử cực màng trong trạng thái hưng phấn (điện thế hoạt động) là kết quả hoạt động của các kênh ion trên màng tế bào.

● Điện thế màng
Điện thế màng neuron được tạo nên do sự chênh lệch nồng độ ion giữa trong và ngoài màng, có giá trị khoảng -70mV.

● Sự biến đổi điện thế màng

Điện thế phân độ
• Điện thế phân độ tạo ra khi các kênh protein có cổng đóng-mở hoạt động, cho phép các ion đặc hiệu đi qua.
• Sự thay đổi độ tập trung và phân bố các ion tạo ra sự thay đổi điện thế nghỉ của màng tế bào. Điện thế phân độ có thể là thay đổi theo chiều hướng tăng hoặc giảm tính phân cực màng
• Mức độ mở các kênh ion phụ thuộc vào cường độ kích thích, tăng cường độ kích thích gây tăng điện thế màng khi đáp ứng: Nếu làm tăng tính phân cực của màng (ưu phân cực): điện thế ức chế, Nếu làm giảm tính phân cực của màng (tăng tính hưng phấn): điện thế kích thích

Điện thế hoạt động
• Điện thế hoạt động là tín hiệu thần kinh hay còn gọi là xung động thần kinh. Được tạo ra ở vùng tiếp nối sợi trục với thân neuron
• Sự phát sinh và dẫn truyền điện thế hoạt động đều có sự tham gia của kênh Na và kênh K đóng mở theo điện thế
• Điện thế hoạt động là sự biến đổi nhanh chóng điện thế màng thành giá trị dương rồi quay trở lại giá trị âm ban đầu

Các giai đoạn của điện thế hoạt động
. Ở trạng thái nghỉ, các kênh Na, K có cổng đóng mở theo chất gắn đều đóng
. Kênh Na mở phát sinh điện thế hoạt động, Sự phát sinh điện thế hoạt động phụ thuộc vào cường độ kích thích và điện thế phân độ do kích thích đó: Nếu điện thế phân độ là điện thế ức chế (ưu phân cực) sẽ không làm mở cổng hoạt hóa của kênh Na, Nếu điện thế phân độ là điện thế kích thích nhưng chưa đến ngưỡng -55mV cũng sẽ không làm mở cổng hoạt hóa của kênh Na; Khi điện thế phân độ cao hơn ngưỡng -55mV sẽ gây hiện tượng mở kênh Na đóng mở theo điện thế làm xuất hiện điện thế hoạt động
. Quy luật tất hoặc không
. Tái cực: K+ đi ra
. Giai đoạn trơ tuyệt đối (thời gian khử cực), trơ tương đối (thời gian tái cực)

Sự dẫn truyền điện thế hoạt động trên sợi trục neuron
Theo quy luật "tất cả hoặc không".
Dẫn truyền xung động thần kinh là dẫn truyền điện thế hoạt động: khi tổng đại số các kích thích, ức chế tại vùng gò Hillock đạt tới ngưỡng làm xuất hiện điện thế hoạt động lan truyền toàn bộ màng sợi trục
Dẫn truyền theo cả hai chiều
Tốc độ dẫn truyền ở sợi trục có myelin nhanh hơn sợi không có myelin (xung động nhảy cách qua eo Ranvier).
Tốc độ dẫn truyền tỷ lệ với đường kính sợi trục

Phân loại sợi theo tốc độ dẫn truyền
Loại sợi
Đường kính (mm)
Tốc độ (m/s)
Chức năng
Aa
15 (9 – 20)
70 - 120
Sợi cảm giác ở suốt cơ, thị giác, sợi vận động cơ vân.
Ab
8
30 - 70
Sợi truyền xúc giác (da)
Ag
5
15 - 45
Sợi vận động ở suốt cơ
Ad
3
5 - 30 
Dẫn truyền cảm giác nhiệt và đau “nhanh” (da)
B
3
3 - 15
Sợi trước gạch giao cảm
C
1 (0,5 – 2)
0,5 - 2
Dẫn truyền cảm giác đau “chậm”
sợi sau hạch giao cảm (không có myelin

Cường độ kích thích càng lớn thì tần số xung động xuất hiện trên sợi thần
kinh càng cao
Xung động được dẫn truyền riêng trong từng sợi và trên sợi trục còn nguyên vẹn.

DẪN TRUYỀN XUNG ĐỘNG QUA SYNAP

Giới thiệu
Synap là chỗ tiếp nối giữa sợi trục của một neuron với một tế bào thần kinh khác hoặc với một tế bào đáp ứng khác (cơ, tuyến). Có hai loại synap là synap điện và synap hóa học.
Tại các synap điện, dòng điện (dòng ion) lan truyền trực tiếp, nhanh từ tế bào này sang tế bào khác qua các khe nối giữa hai tế bào
Các synap hóa học bao gồm màng trước synap, khe synap và màng sau synap. Tín hiệu được dẫn truyền từ tế bào trước synap đến tế bào sau synap qua các hóa chất trung gian là các chất truyền đạt thần kinh


Giải phóng chất truyền đạt thần kinh
- Xung động thần kinh khử cực màng trước synap > mở các kênh Ca2+. - Ca2+ vào bào tương cúc tận cùng, gắn với receptor ở màng trong cúc tận cùng, tăng ái lực và kéo các túi chứa chất truyền đạt thần kinh về màng trước synap.
- Các túi chứa chất truyền đạt thần kinh hoà màng với màng trước synap, giải phóng chất truyền đạt thần kinh.

- Mỗi điện thế hoạt động chỉ làm cho một vài bọc nhỏ giải phóng chất truyền đạt thần kinh.
Chất truyền đạt thần kinh khuếch tán qua khe synap

Tác dụng của chất truyền đạt thần kinh lên neuron sau synap

Receptor là protein kênh ion
Kích thích sau synap:hoạt hóa kênh natri, calci, ức chế mở kênh kali và/hoặc kênh clo
Ức chế sau synap:hoạt hóacác kênh kali và/hoặc kênh clo, ức chế kênh natri

Receptor là các protein enzym
Tăng hay giảm số lượng, chất lượng các receptor kích thích hay ức chế

Số phận chất truyền đạt thần kinh
Được đưa trở lại cúc tận cùng để tái sử dụng.
Bị các enzym đặc hiệu phân hủy.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự dẫn truyền xung động qua synap

- Oxy: Ngừng cung cấp oxy trong vài giây thì neuron sẽ ngừng hoạt động (phù não, nhũn não).

- pH tối thuận là 7,35-7,4.
+ Nhiễm kiềm (pH>7,4): Làm tăng tính hưng phấn neuron, tăng tốc độ dẫn truyền xung động, gây ra những cơn co giật (khi ghi EEG, nghiệm pháp thở tăng cường- tăng thải CO2 có thể làm xuất hiện các sóng bệnh lý).
+ Nhiễm toan (pH<7,2): Làm giảm hưng phấn neuron, giảm hoạt động neuron gây biểu hiện quên, lẫn, hôn mê... (bệnh nhân đái tháo đường hay có biểu hiện hôn mê do bị nhiễm toan ceton)

- Nhiệt độ tăng gây tăng chuyển hóa và co giật

- Các thuốc
+ Tăng tính hưng phấn do giảm ngưỡng kích thích: cafein, theophillin, theobromin.
+ Tăng hưng phấn do ức chế chất truyền đạt thần kinh: strychnin.
+ Tăng ngưỡng kích thích, giảm tính dẫn truyền qua synap: thuốc mê, thuốc tê.

Đặc điểm dẫn truyền xung động qua synap
- Dẫn truyền xung động theo một chiều
- Cường độ kích thích càng mạnh thì tần số xung động (điện thế hoạt động) càng cao
- Chậm synap: Cần nhiều thời gian cho nhiều quá trình
- Mỏi synap: Tần số xung phát lúc đầu rất lớn nhưng sau giảm dần kích thích liên tục do cạn kiệt chất truyền đạt thần kinh, bất hoạt dần các receptor, rối loạn sự phân bố các ion

HIỆN TƯỢNG CỘNG KÍCH THÍCH SAU SYNAP
Một tế bào thần kinh cùng lúc phải tiếp nhận hàng nghìn thông tin kích thích và ức chế. Các thông tin này được tổng hợp lại nhờ hiện tượng cộng kích thích
=> Điện thế hưng phấn và ức chế sau synap
Mức độ hưng phấn hay ức chế của neuron sau synap là cộng đại số các điện thế kích thích và điện thế ức chế tác động lên neuron trong cùng một thời điểm. Tăng cường độ kích thích tăng biên độ điện thế sau synap. Điện thế sau synap có thể lan truyền trong một khoảng cách ngắn.

Cộng đại số các kích thích
Khi tổng đại số các kích thích này đạt ngưỡng tại vùng gò Hillock sẽ tạo điện thế hoạt động của neuron sau synap.
Cộng kích thích theo thời gian: là sự cộng gộp nhanh, liên tiếp của các điện thế kích thích sau synap do ở một cúc tận cùng tạo ra gây hưng phấn neuron sau synap.
Cộng kích thích trong không gian nhiều cúc tận cùng đồng thời hoạt động để giải phóng nhiều chất truyền đạt thần kinh mới đủ gây hưng phấn neuron sau synap.

CÁC MẠNG NEURON
Mỗi chức năng của của hệ thần kinh được tập hợp, xử lý một cách riêng biệt qua một mạng neuron. Mỗi mạng neuron đặc trưng bới số lượng, cách thức thông tin đầu vào cho đến đầu ra. Các kiểu mạng neuron phổ biến là mạng hội tụ, mạng phân kỳ, mạng dội ngược và mạng song song.


TÓM TẮT

GIỚI THIỆU        
Hệ thần kinh có chức năng tiếp nhận, xử lý các thông tin từ bên ngoài cũng như bên trong và tạo ra những đáp ứng phù hợp nhằm duy trì hằng định nội môi và giúp cơ thể thích nghi với môi trường sống.
Mô thần kinh được cấu tạo từ hai loại tế bào chính là neuron và các tế bào đệm trong đó neuron là đơn vị cấu trúc, chức năng, dinh dưỡng và là đơn vị bệnh lý của hệ thần kinh.

TỔ CHỨC - CHỨC NĂNG
Hệ thần kinh được chia thành hai phần là thần kinh trung ương (bao gồm não và tuỷ sống) và thần kinh ngoại vi (bao gồm các hạch, các dây thần kinh sọ và dây thần kinh sống).
Các tầng của hệ thần kinh trung ương gồm: đại não, não trung gian (đồi thị, hạ đồi thị), thân não (hành não, cầu não, não giữa), tiểu não, tuỷ sống
Hệ thần kinh ngoại vi kết nối hệ thần kinh trung ương và các phần khác của cơ thể chia làm hệ thần kinh thân và hệ thần kinh tự chủ. Hệ thần kinh thân đóng vai trò nhận cảm giác từ ngoại vi tạo ra những đáp ứng của hệ cơ xương. Hệ thần kinh tự chủ và hệ thần kinh nội tại đảm nhiệm việc chi phối hoạt động của các tạng, tuyến, mô mỡ, không theo ý muốn, đường vận động đi ra chia làm các sợi giao cảm và phó giao cảm.
Kích thích theo sợi hướng tâm của hệ thần kinh ngoại vi dẫn truyền về hệ thần kinh trung ương (tích hợp, xử lý, ra quyết định) tạo ra tín hiệu điện thế đến hệ thần kinh vận động thân thể (chuyển điện thế hoạt động đến các cơ xương qua synap thần kinh -cơ) và đến cơ trơn các tạng qua sợi giao cảm, phó giao cảm thuộc hệ thần kinh tự chủ

CẤU TRÚC – CHỨC NĂNG CỦA NEURON
Các tế bào của mô thần kinh chủ yếu gồm neuron và tế bào thần kinh đệm. Neuron là đơn vị cấu trúc, chức năng, dinh dưỡng và là đơn vị bệnh lý của hệ thống thần kinh.
Có 3 loại neuron chính là neuron cảm giác, neuron trung gian (neuron liên hợp), neuron vận động với nhiều hình dạng, kích thước khác nhau (đa cực, song cực, đơn cực, giả đơn cực)
Tính chất chung của neuron là tính dễ hưng phấn, có khả năng dẫn truyền và giải phóng chất truyền đạt thần kinh
Thành phần chính của neuron gồm: đuôi gai, thân, sợi trục. Đuôi gai, thân neuron tiếp nhận tín hiệu, sợi trục truyền tín hiệu qua việc giải phóng chất truyền đạt thần kinh (neurotransmitter) từ các các bọc nhỏ có trong cúc tận cùng

BIỂU HIỆN ĐIỆN CỦA NEURON
Neuron là những tế bào có tính hưng phấn cao thậm chí có khả năng tự hưng phấn.
Điện thế màng neuron được tạo nên do sự chênh lệch nồng độ ion giữa trong và ngoài màng, có giá trị khoảng -70mV.
Điện thế hoạt động được phát sinh do vận chuyển ion qua các kênh ion trên màng, gồm hai giai đoạn là khử cực (Na+ đi vào) và tái cực (K+ đi ra) Sự dẫn truyền điện thế hoạt động trên sợi trục có đặc điểm:
• Theo quy luật "tất cả hoặc không".
• Dẫn truyền xung động thần kinh là dẫn truyền điện thế hoạt động: khi tổng đại số các kích thích, ức chế tại vùng gò Hillock đạt tới ngưỡng và xuất hiện điện thế hoạt động lan truyền toàn bộ màng sợi trục
• Dẫn truyền theo cả hai chiều
• Tốc độ dẫn truyền ở sợi trục có myelin nhanh hơn sợi không có myelin (xung động nhảy cách qua eo Ranvier).
• Tốc độ dẫn truyền tỷ lệ với đường kính sợi trục
• Cường độ kích thích càng lớn thì tần số xung động xuất hiện trên sợi thần kinh càng cao
• Xung động được dẫn truyền riêng trong từng sợi và trên sợi trục còn nguyên vẹn.

DẪN TRUYỀN XUNG ĐỘNG QUA SYNAP
Synap là chỗ tiếp nối giữa sợi trục của một neuron với một tế bào thần kinh khác hoặc với một tế bào đáp ứng khác (cơ, tuyến). Có hai loại synap là synap điện và synap hóa học.
Tại các synap điện, dòng điện (dòng ion) lan truyền trực tiếp, nhanh từ tế bào này sang tế bào khác qua các khe nối giữa hai tế bào
Các synap hóa hoạc bao gồm màng trước synap, khe synap và màng sau synap. Tín hiệu được dẫn truyền từ tế bào trước synap đến tế bào sau synap qua các hóa chất trung gian là các chất truyền đạt thần kinh
Dẫn truyền xung động qua synap gồm các quá trình: Giải phóng chất truyền đạt thần kinh, chất truyền đạt thần kinh khuếch tán qua khe synap, gắn với receptor đặc hiệu màng sau synap (là các protein kênh ion hoặc enzym). Tác dụng của chất truyền đạt thần kinh có thể là kích thích, ức chế hoặc điều hòa
Đặc điểm dẫn truyền xung động qua synap là dẫn truyền điện thế hoạt động, xung động được dẫn truyền theo một chiều, cường độ kích thích càng mạnh thì tần số xung càng cao. Có hiện tượng chậm synap và mỏi synap
- Oxy, pH, một số thuốc có thể ảnh hưởng đến tính hưng phấn, dẫn truyền, bài tiết chất truyền đạt thần kinh của neuron

CỘNG KÍCH THÍCH SAU SYNAP
Một tế bào thần kinh cùng lúc phải tiếp nhận hàng nghìn thông tin kích thích và ức chế. Các thông tin này được tổng hợp lại nhờ hiện tượng cộng kích thích.
Mức độ hưng phấn hay ức chế của neuron sau synap là cộng đại số các điện thế kích thích và điện thế ức chế tác động lên neuron trong cùng một thời điểm. Tăng cường độ kích thích tăng biên độ điện thế sau synap.
Điện thế sau synap có thể lan truyền trong một khoảng cách ngắn.
Khi tổng đại số các kích thích này đạt ngưỡng tại vùng gò Hillock sẽ tạo điện thế hoạt động của neuron sau synap. Có hai kiểu cộng kích thích là cộng kích thích theo thời gian và cộng kích thích trong không gian

CÁC MẠNG NEURON        
Mỗi chức năng của của hệ thần kinh được tập hợp, xử lý một cách riêng biệt qua một mạng neuron. Mỗi mạng neuron đặc trưng bới số lượng, cách thức thông tin đầu vào cho đến đầu ra. Các kiểu mạng neuron phổ biến là mạng hội tụ, mạng phân kỳ, mạng dội ngược và mạng song song.

Thuật ngữ lâm sàng
Neuroblastoma: U tế bào thần kinh
Neurologist: Bác sỹ thần kinh
Neurophathy: Bệnh học thần kinh
Neuropharmacology: Dược thần kinh
Neurotoxin: Nhiễm độc thần kinh
Rabie: Virus dại
Shingles: Nhiễm virus thần kinh (herpers, zona)

====================
Chương 15 - sinh lý neuron
* Hệ thần kinh tiếp nhận thông tin từ:
A. Môi trường bên ngoài.
B. Các cơ quan trong cơ thể.
C. Môi trường bên trong.
D. Từ cả ngoại môi và nội môi.
D
* Hệ thần kinh của người:
A. Hoàn thiện từ lúc mới sinh ra.
B. Hoàn thiện sau 3 tuổi đời.
C. Hoàn thiện dần theo kinh nghiệm cuộc sống.
D. Hoàn thiện vào tháng thứ 7 trong phát triển bào thai.
B
* Nơron có các thành phần:
A. Thân, sợi trục, đuôi gai.
B. Thân, sợi trục, đuôi gai, synap.
C. Thân, sợi trục, cúc tận cùng, đuôi gai.
D. Thân, sợi trục, cúc tận cùng, đuôi gai, synap.
C
* Sợi trục có các thành phần sau, trừ:
A. Xơ thần kinh.
B. Lưới nội bào có hạt.
C. Lưới nội bào trơn.
D. Ty thể.
E. Ống siêu vi.
B
* Người ta phân loại các sợi thần kinh theo:
A. Tốc độ dẫn truyền.
B. Chiều dài của sợi.
C. Hướng đi của sợi.
D. Số lượng các synap ở chuỗi sợi trục của bó.
A
* Chất truyền đạt thần kinh được sản xuất ở:
A. Thân nơron và cúc tận cùng.
B. Thân nơron và sợi trục.
C. Sợi trục và cúc tận cùng.
D. Cúc tận cùng.
A
* Thành phần chính có trong cúc tận cùng:
A. Các bọc nhỏ chứa enzym và ty thể sản xuất ATP.
B. Các bọc nhỏ chứa enzym, chất truyền đạt thần kinh và ty thể.
C. Các bọc nhỏ chứa chất truyền đạt thần kinh.
D. Các bọc nhỏ chứa chất truyền đạt thần kinh và ty thể.
D
* Synap là:
A. Một đơn vị giải phẫu - chỗ tiếp nối giữa tận cùng sợi trục của một nơron với một tế bào khác.
B. Một đơn vị giải phẫu - chỗ tiếp nối giữa tận cùng sợi trục của một nơron với một tế bào thần kinh khác.
C. Một đơn vị cấu tạo, chức năng- chỗ tiếp nối giữa tận cùng sợi trục của một nơron với một nơron khác hoặc một tế bào đáp ứng.
D. Một đơn vị giải phẫu - chỗ tiếp nối giữa tận cùng sợi trục của một nơron với một nơron khác hoặc một tế bào đáp ứng.
C
* Nơron có những đặc điểm hưng phấn sau đây, trừ:
A. Nơron có tính hưng phấn cao, thể hiện ở ngưỡng kích thích cao.
B. Thời gian trơ của nơron ngắn, thể hiện hoạt tính chức năng cao.
C. Nhu cầu năng lượng của nơron cao khi hưng phấn.
D. Nhu cầu tiêu thụ oxy khi hưng phấn của nơron cao.
A
* Chênh lệch nồng độ các ion ở trong và ngoài màng nơron:
A. Na+ ở bên ngoài thấp hơn bên trong.
B. Protein tích điện (-) ở bên trong cao hơn bên ngoài.
C. Ion K+ ở bên ngoài cao hơn bên trong.
D. Nồng độ ion Cl- ở bên trong cao hơn bên ngoài.
B
* Nguyên nhân chủ yếu tạo ra điện thế nghỉ là:
A. Chênh lệch nồng độ các ion trong và ngoài màng.
B. Protein mang điện tích âm ở trong màng.
C. Tính thấm lúc nghỉ của ion K+ và Na+ khác nhau.
D. Bơm Na+- K+- ATPase.
D
* Mỗi nơron có thể tiếp nhận rất nhiều kích thích từ các nơron trước nó. Các kích thích này từ các nơron trước gây ra các tác dụng sau , trừ:
A. Cộng kích thích trong không gian.
B. Cộng kích thích theo thời gian.
C. Chỉ gây hưng phấn ở màng sau synap.
D. Cộng đại số các điện thế gây hưng phấn và ức chế.
C
* Chất truyền đạt thần kinh có phân tử lớn là:
A. Dopamin.
B. Glycin.
C. Neurotensin.
D. GABA.
C
* Chất truyền đạt thần kinh có phân tử nhỏ là:
A. Bombesin.
B. Endorphin.
C. Chất P.
D. VIP.
E. Serotonin.
E
* Giai đoạn khử cực của điện thế đỉnh là do:
A. Na+ ồ ạt vào trong màng.
B. Kênh K+ chưa kịp mở.
C. Bên trong màng trở thành (+) so với mặt ngoài.
D. Cả 3 biểu hiện trên.
D
* Tác dụng của chất truyền đạt thần kinh gây ức chế lên màng sau synap là:
A. Làm mở các kênh Na+.
B. Làm mở các kênh K+ và tăng vận chuyển Cl- vào trong.
C. Hạn chế các kênh K+ và kênh Cl-.
D. Làm đóng các kênh Ca++.
B
* Các thành phần của một synap gồm có:
A. Cúc tận cùng, khe synap, màng sau synap.
B.Các bọc nhỏ chứa chất dẫn truyền thần kinh, khe synap, màng sau synap.
C. Cúc tận cùng, khe synap, các phần tử cảm thụ.
D. Màng trước synap (màng của cúc tận cùng), khe synap, màng sau synap.
E. Màng trước synap, khe synap, đuôi gai của nơron sau.
D
* Điện thế hoạt động sẽ xuất hiện ở màng sau synap khi:
A. Chất dẫn truyền thần kinh kết hợp với phần tử cảm thụ ức chế ở màng sau synap, dẫn đến hiện tượng ưu phân cực màng.
B. Chất dẫn truyền thần kinh gắn với phần tử cảm thụ kích thích ở màng sau synap dẫn đến khử cực màng sau synap.
C. Khi có hiện tượng ưu phân cực của màng sau synap.
D. Chất dẫn truyền thần kinh kết hợp với phần tử cảm thụ kích thích ở màng trước synap dẫn đến khử cực màng.
B
* Trong một sợi thần kinh, xung động được dẫn truyền:
A. Một chiều trên sợi trục, hai chiều ở synap.
B. Hai chiều trên sợi trục, hai chiều ở synap.
C. Một chiều trên sợi trục, một chiều ở synap.
D. Hai chiều trên sợi trục, một chiều ở synap.
E. Tuỳ theo điều kiện có thể là A,B,C, hoặc D.
D
* Những chất dẫn truyền trung gian chính của hệ thần kinh là:
A. Acetylcholin, adrenalin, serotonin, GABA.
B. Acetylcholin, noradrenalin, serotonin, histamin.
C. Acetylcholin, noradrenalin, dopamin, glycin, GABA.
D. Acetylcholin, adrenalin, dopamin, GABA.
E. Acetylcholin, noradrenalin, serotonin, GABA, histamin.
C
* Điện thế tổng là:
A. Tổng các điện thế kích thích và ức chế lên nơron trong một thời điểm.
B. Tổng các điện thế kích thích và ức chế lên nơron trong nhiều thời điểm liên tiếp.
C. Tổng các điện thế kích thích lên nơron trong một thời điểm.
D. Tổng các điện thế kích thích lên nơron trong nhiều thời điểm liên tiếp.
A
* Ức chế trước synap là do:
A. Tăng mở kênh kali ở màng cúc tận cùng trước synap.
B. Tăng mở kênh clo ở màng cúc tận cùng trước synap.
C. Tăng mở kênh kali và kênh clo ở màng cúc tận cùng trước synap.
D. Giảm mở kênh calci ở màng cúc tận cùng trước synap.
D
* Chất truyền đạt thần kinh gây kích thích ở màng sau synap là chất:
A. Khi gắn vào receptor đặc hiệu ở màng sau synap sẽ làm mở kênh kali hoặc/và kênh natri.
B. Khi gắn vào receptor đặc hiệu ở màng sau synap sẽ làm mở kênh natri hoặc/và kênh calci.
C. Khi gắn vào receptor đặc hiệu ở màng sau synap sẽ làm mở kênh kali hoặc/và kênh clo.
D. Khi gắn vào receptor đặc hiệu ở màng sau synap sẽ làm mở kênh kali hoặc/và kênh calci.
B
* Chất truyền đạt thần kinh gây ức chế màng sau synap là chất:
A. Khi gắn vào receptor đặc hiệu ở màng sau synap sẽ làm mở kênh kali hoặc/và kênh natri.
B. Khi gắn vào receptor đặc hiệu ở màng sau synap sẽ làm mở kênh kali, hoặc/và đóng kênh natri.
C. Khi gắn vào receptor đặc hiệu ở màng sau synap sẽ làm mở kênh kali hoặc/và mở kênh clo, hoặc /và đóng kênh natri.
D. Khi gắn vào receptor đặc hiệu ở màng sau synap sẽ làm mở kênh kali hoặc/và mở kênh clo.
C
* Chất truyền đạt thần kinh phân tử nhỏ có các đặc điểm sau, trừ:
A. Được tổng hợp tại cúc tận cùng.
B. Thời gian tác dụng kéo dài.
C. Mỗi loại nơron chỉ giải phóng một chất truyền đạt.
D. Tác dụng chủ yếu lên kênh ion.
E. Có thể được tái nhập và tái sử dụng.
B
* Chất truyền đạt thần kinh phân tử lớn có các đặc điểm sau đây, trừ:
A. Được tổng hợp tại cúc tận cùng của nơron.
B. Thời gian tác dụng kéo dài.
C. Tác dụng lên cả kênh ion và enzym.
D. Một nơron có thể giải phóng một hoặc nhiều chất.
E. Sau khi giải phóng phần lớn khuếch tán ra mô xung quanh và bị phá huỷ bởi enzym.
A
* Các yếu tố sau đây ảnh hưởng đến dẫn truyền xung động ở synap, trừ:
A. Ion calci làm các bọc dễ hoà màng với màng của cúc tận cùng.
B. pH kiềm của dịch kẽ làm tăng tính hưng phấn của nơron.
C. Thiếu oxy làm tăng tính hưng phấn của nơron.
D.Thuốc làm tăng ngưỡng kích thích của nơron.
E. Thuốc làm giảm ngưỡng kích thích của nơron.
C
* Dẫn truyền điện thế hoạt động trên sợi trục có các đặc điểm sau, trừ:
A. Dẫn truyền theo hai hướng và chỉ dẫn truyền trên sợi còn nguyên vẹn.
B. Dẫn truyền theo chiều dọc của sợi không lan toả sang sợi bên cạnh trong một bó sợi trục.
C. Cường độ kích thích càng lớn thì tần số xung càng cao.
D. Cường độ kích thích càng lớn thì biên độ xung càng cao.
E. Tốc độ dẫn truyền ở sợi có myelin cao hơn ở sợi không có myelin.
D
* Chất truyền đạt thần kinh gắn với receptor là enzym ở màng sau synap sẽ gây ra các tác dụng sau, trừ:
A. Hoạt hoá các phản ứng hoá học trong nơron.
B. Hoạt hoá hệ gen làm tăng tổng hợp receptor.
C. Hoạt hoá các kênh làm kênh mở.
D. Hoạt hoá các protein kinase trong tế bào làm giảm tổng hợp receptor.
C
* Dẫn truyền xung động qua synap theo một chiều vì:
A. Chất truyền đạt thần kinh phải được giải phóng vào khe synap và khuếch tán qua màng sau synap để gây tác dụng kích thích hoặc ức chế ở màng sau synap.
B. Chất truyền đạt thần kinh phải được giải phóng vào khe synap và gắn với receptor đặc hiệu ở màng sau synap để gây tác dụng kích thích hoặc ức chế màng sau synap.
C. Chất truyền đạt thần kinh phải được giải phóng vào khe synap và gắn với receptor là protein kênh ở màng sau synap để gây tác dụng kích thích hoặc ức chế màng sau synap.
D. Chất truyền đạt thần kinh phải được giải phóng vào khe synap và gắn với receptor là protein enzym ở màng sau synap để gây tác dụng kích thích hoặc ức chế màng sau synap.
B
* Hoạt động của nơron: Xung thần kinh chính là điện thế hoạt động của nơron lan truyền theo sợi trục.
A. đúng
B. sai
A
* Hoạt động của nơron: Xung thần kinh khi đến cúc tận cùng, làm đóng các kênh Ca++.
A. đúng
B. sai
B
* Hoạt động của nơron: Các xung thần kinh có thể có biên độ khác nhau khi kích thích với cường độ khác nhau.
A. đúng
B. sai
B
* Hoạt động của nơron: Các chất truyền đạt thần kinh cấu trúc phân tử nhỏ có tác dụng mạnh và kéo dài.
A. đúng
B. sai
B
* Hoạt động của nơron: Trong giai đoạn ưu phân cực, phải có kích thích mạnh hơn bình thường mới gây hưng phấn nơron.
A. đúng
B. sai
A
* Chức năng của nơron: Dẫn truyền xung động trên sợi không có myelin được thực hiện sang hai điểm ở cạnh điểm hưng phấn và cứ thế lan đi.
A. đúng
B. sai
A
* Chức năng của nơron: Mỗi nơron có thể sản xuất nhiều chất dẫn truyền thần kinh nhưng chỉ có một loại phân tử cảm thụ trên màng.
A. đúng
B. sai
B
* Chức năng của nơron: Dẫn truyền xung động trên sợi có myelin được thực hiện bằng cách nhảy qua các eo Ranvier.
A. đúng
B. sai
A
* Chức năng của nơron: Ion Ca++ làm các bọc nhỏ dễ vỡ nên làm tăng dẫn truyền qua synap. Ion Mg++ có tác dụng ngược lại.
A. đúng
B. sai
A
* Chức năng của nơron: Nếu kích thích liên tục và kéo dài qua synap, các chất dẫn truyền được sản xuất ra không bù lại được lượng bị tiêu hao sẽ gây hiện tượng chậm synap.
A. đúng
B. sai
B