2017-10-16
9 điều y huấn cách ngôn của Hải Thượng Lãn Ông
9 điều y huấn cách ngôn của Hải Thượng Lãn Ông
Bs Huỳnh Tấn Dũng - Khoa YHCT
Ngày xưa trong Tây y có những lời thề của Hipocrat, sau này có 12 điều Y đức của ngành y tế Việt Nam.
Trong Đông y ngày xưa cũng có 9 điều Y Huấn Cách Ngôn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 – 1791) là nhà Y học lớn, nhà Văn hoá lớn của nước ta, là tác giả của pho sách trứ danh Lãn Ông Tâm Lĩnh hay Hải Thượng y tông Tâm Lĩnh. Sự nghiệp Y học của Hải Thượng Lãn Ông đã góp phần to lớn xây dựng nền Y học dân tộc nước nhà, nên được suy tôn là Đại y tôn Việt Nam. Trong thiên này Hải Thượng Lãn Ông nêu những điều cốt yếu của Y nghiệp, thái độ tư cách của nhà Y. Việc làm thuốc có quan hệ đến tính mạng con người, nghề Y là một nghề cao quý và rất khó, phải học rộng, suy kỹ, thận trọng, sáng tạo …
Dưới đây xin trích Tóm tắt 9 Điều Y Huấn Cách Ngôn của Hải Thượng Lãn Ông và trong Tác phẩm Lãn Ông Tâm Lĩnh .
Đây là những câu cách ngôn của người thầy thuốc, những lời giáo huấn, căn dặn về y học, y đức; đọc những câu cách ngôn này khiến ta liên tưởng đến những lời thề của Hypocrate trong Tây y !
1. Phàm người học (Đông Y) tất phải hiểu thấu lý luận đạo Nho, có thông lý luận Nho học thì học Y mới dễ. Nên luôn luôn nghiên cứu các sách Y xưa, nay, luôn phát huy biến hoá, thâu nhập được vào Tâm, thấy rõ được ở mắt thì tự nhiên ứng vào việc mà không phạm sai lầm .
2. Khi đi thăm bệnh: cần kíp thì đến trước, chớ nên phân biệt giàu sang, nghèo hèn .
3. Khi đi thăm bệnh cho phụ nữ thì phải đứng đắn, phải có người nhà bên cạnh mới bước vào phòng thăm bệnh .
4. Phàm thầy thuốc phải ý thức lấy nghiệp vụ mình quan trọng không nên tự ý cầu vui mà rời phòng bệnh, phòng khi có trường hợp cấp cứu đến thì xử trí mới kịp thời .
5. Gặp chứng bệnh nguy cấp, tuy hết lòng cứu chữa, nhưng phải nói rõ cho gia đình người bệnh biết trước, có khi cần thì cho không cả thuốc .
6. Phải chuẩn bị tốt thuốc men đầy đủ, giữ, bảo quản cẩn thận, để kịp thời tiện dụng. Phải tôn trọng kinh điển, thận trọng không khinh xuất đưa ra những phương thuốc bừa bãi để thử nghiệm .
7. Với bạn đồng nghiệp phải khiêm tốn, hoà nhã, kính cẩn, với người lớn tuổi thì kính trọng, với người giỏi thì coi như bậc thầy, với người kiêu ngạo thì nên nhân nhượng, với người kém hơn mình thì dìu dắt họ .
8. Với những người bệnh nghèo túng, mồ côi, goá bụa, hiếm hoi, những người con thảo, vợ hiền nên chăm sóc đặc biệt, khi cần còn chu cấp giúp đỡ họ mới đáng gọi là nhân thuật .
9. Chữa bệnh cho ngươì khỏi bệnh rồi chớ có mưu cầu quà cáp … nghề y là thanh cao, càng phải giữ khí tiết cho trong sạch.
Vậy kết luận: Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, phải vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công...