2016-03-26

TIẾP CẬN NHỮNG THAY ĐỔI BỆNH LÝ LÚC MANG THAI

TIẾP CẬN NHỮNG THAY ĐỔI BỆNH LÝ LÚC MANG THAI

THAY ĐỔI VỀ DA
          Thai kỳ gây ra nhiều thay đổi trên lớp da của thai phụ, và điều này có thể thấy được dễ dàng. Hơn 90% số phụ nữ mang thai sẽ có hiện tượng tăng sắc tố da. Những vùng thượng bì tăng sắc tố gồm: mắt, quầng núm vú, đường trắng, nách, cơ quan sinh dục. Hiện tượng tăng sắc tố vùng mặt, gọi riêng là “gương mặt khi mang thai” (mask of pregnancy). Các nốt ruồi cũng có thể sậm màu hơn.
          Nồng độ MSH (melanocyte-stimulating hormone) gia tăng trong thai kì. Hormone này và các loại hormone steroid sinh dục khác có thể là nguyên nhân gây tăng sắc tố toàn thân khi mang thai. Hiện tượng này dường như gặp nhiều ở phụ nữ da sậm hơn là những phụ nữ da trắng và sáng.
          Ngoài ra, hiện tượng tăng sinh mạch máu kèm ứ huyết cũng gây ra nhiều hệ quả khác trên hệ da. Ở phụ nữ gốc da trắng rất thường gặp những nốt sao mạch. Những nốt này hay gặp trên những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời. Cũng có thể gặp hiện tượng ửng đỏ ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Đây chỉ là thay đổi tạm thời và sẽ tự hết trong giai đoạn sau sinh.
          Quá trình tăng trưởng lông cũng thay đổi. Ngay sau sinh, tỷ lệ nang lông nằm ở pha nghỉ (telophase) đạt 35-40%. Có thể gây rụng tóc. Đây là quá trình tạm thời và tự khỏi trong vòng 6-12 tháng sau sinh.
          Vết rạn da (striae gravidarum) gặp trong khoảng 50% tất cả trường hợp mang thai. Những đường này hay gặp ở bụng, vú, mông, đùi. Người ta cho rằng những đường này xuất hiện là do estrogen gây nên những đường rách ở dưới lớp bì. Trong thai kì, những đường này thường hóa đỏ, sau sinh chuyển sang màu trắng đục, và hiện tại không có phương pháp nào để ngăn chặn hiện tượng này.

TĂNG CÂN
          Khoảng 11-15kg đối với phụ nữ bình thường và 12 đối với phụ nữ béo phì.

THAY ĐỔI VỀ HỆ TIM MẠCH
          Những thay đổi quan trọng về hệ tim mạch xảy ra rất sớm trên thai phụ, khoảng tuần thứ 5 của thay kỳ. Đa số những thay đổi này đều có thể dễ dàng nhận biết, tuy nhiên có thể gây nhầm lẫn với các bệnh lý tim mạch.
          Trong thai kỳ, tim dần dịch chuyển lên trên và qua trái do các xương sườn thay đổi hình dạng và cơ hoành bị đẩy lên trên. Tim cũng xoay theo trục dọc của nó. Phì đại cơ tim sinh lý (physiologic myocardial hypertrophy) là kết quả của sự gia tăng thể tích tuần hoàn, đạt đỉnh điểm khi tuổi thai 30-34 tuần, và tự trở lại trạng thái ban đầu sau khi sinh xong.
          Trong thai kỳ, cung lượng tim (CO: cardiac output) tăng rất nhiều. Khi tuổi thai khoảng 5 tuần, CO tăng khoảng 10% so với trước thai kỳ và khi tuổi thai khoảng 34 tuần, CO tăng khoảng 50%. Nhịp tim bắt đầu tăng trong tam cá nguyệt đầu tiên và tiếp tục tăng sau đó, đạt đỉnh là tăng 15-20 nhịp/phút so với mức trước khi mang thai khi tuổi thai khoảng 34 tuần. CO sẽ thay đổi đáng kể khi thai phụ thay đổi tư thế. Khi ở tư thế gấp gối vào ngực hoặc nằm nghiêng một bên, CO sẽ ở mức cao nhất, và thấp nhất khi nằm ngửa (khoảng 30% so với 2 tư thế đầu tiên). Khi thai kỳ tiến triển, sẽ phát triển hệ mạch máu thông nối cạnh cột sống, giúp duy trì sự đổ máu về tim từ tĩnh mạch của hai chi dưới thậm chí ngay cả khi tĩnh mạch chủ bị chèn ép hoàn toàn do thai đè vào. Tuy nhiên, mặc dù có hiện tượng thông nối này khi mang thai, vẫn có khoảng 5-10% thai phụ sẽ bị “tụt huyết áp khi nằm ngửa”, và triệu chứng biểu hiện gồm chóng mặt, buồn nôn, thậm chí là ngất khi nằm ngửa. Các dấu hiệu này cho thấy hiện tượng tạo thông nối ở những thai phụ này có thể không phát triển đầy đủ.
          Sức cản mạch máu toàn hệ thống (SVR: systemic vascular resistance) giảm trong giai đoạn sớm thai kỳ. SVR giảm đến mức thấp nhất vào giữa thai kỳ, sau đó tăng lên từ từ cho đến khi thai đủ tháng, nhưng vẫn thấp hơn so với trước khi mang thai khoảng 20%. Người ta cho rằng hiện tượng này là do tác động trực tiếp của progesterone lên cơ trơn ở mao mạch, ngoài ra, sự tăng nồng độ nitric oxide và cAMP cũng có tác động làm giảm SVR. Như chúng ta đã biết, huyết áp là tích số của cung lượng tim và SVR, do đó huyết áp cũng sẽ có sự thay đổi tương tự trong suốt thai kỳ.
          Áp lực tĩnh mạch chi dưới sẽ tăng dần khi mang thai. Áp lực tĩnh mạch đùi tăng từ 10 cm H2O khi thai đủ tháng. Do đó thường gặp một số tình trạng như phù, trĩ, hoặc tăng nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu.
          Tiếng S1 nghe lớn hơn vào cuối tam cá nguyệt đầu tiên, và trong 90% tổng số thai phụ sẽ nghe được tiếng S3. Âm thổi tâm thu dọc bờ trái xương ức cũng nghe được ở 90% thai phụ, điều này có thể do tăng lưu lượng máu qua các van động mạch phổi và động mạch chủ.
          Triệu chứng khó thở có thể gặp cả trong thai kỳ thường và bệnh lý tim mạch. Thông thường, khó thở khi mang thai sẽ tăng dần trước tuần lễ 20, và khi thai ở tam cá nguyệt thứ 3 triệu chứng này có thể gặp trong 75% thai phụ. Các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở khi nằm, ngất, và căng tức vùng ngực đều có thể gặp trong thai kỳ thường, tuy nhiên một số triệu chứng khác như ho ra máu, đau thắt ngực, khó thở khi nằm tăng lên nhiều, hoặc khó thở về đêm cần được đánh giá cẩn thận.

THAY ĐỔI VỀ HỆ HÔ HẤP
          Do tăng nồng độ estrogen và có hiện tượng sung huyết nên niêm mạc vùng hầu mũi sẽ trở nên phù nề và dễ bị kích thích. Nghẹt mũi, chảy máu mũi và polip mũi thường xuất hiện khi mang thai và sẽ tự hết sau sinh.
          Do có sự thay đổi kích thước và hình dạng lồng ngực khi mang thai, nên cần chú ý một số thông số sau đây:
1.     Nhịp thở - không đổi
2.     Dung tích sống – không đổi
3.     Dung tích hít vào – tăng 5-10%
4.     Thể tích khí lưu thông – tăng 30-50%
5.     Thể tích dự trữ lúc hít vào – không đổi
6.     Dung tích cặn chức năng – giảm 20%
Trong thai kỳ, nồng đồ progesterone tăng sẽ dẫn tới hiện tượng tăng thông khí, gây ra tình trạng kiềm hô hấp mạn tính. pCO2 ở thai phụ tương đối thấp sẽ có lợi trong quá trình thải CO­2 từ thai nhi

THAY ĐỔI VỀ HUYẾT HỌC
          Thê tích máu của mẹ bao gồm thể tích huyết tương cộng với thể tích hồng cầu. Thể tích máu mẹ bắt đầu tăng khi tuổi thai khoảng 6 tuần, đạt đỉnh khi tuổi thai đạt 30-34 tuần, sau đó duy trì cố định khi thai đủ tháng. Lúc đạt đỉnh, thể tích máu tăng khoảng 40-50% so với trước khi mang thai. Thể tích huyết tương bắt đầu tăng khi thai 10 tuần, đạt đỉnh lúc 30 tuần, sau đó tiếp tục tăng đến khi thai đủ tháng. Nguyên nhân tại sao có sự gia tăng như trên vẫn chưa hiểu rõ. Các nghiên cứu cho thấy khi bổ sung sắt sẽ giúp làm tăng số lượng hồng cầu lên từ 20-30% khi thai đủ tháng. Trong giai đoạn giữa thai kỳ, do thể tích huyết tương tăng nhiều hơn so với sự gia tăng hồng cầu, nên có hiện tượng thiếu máu sinh lý tạm thời trong thai kỳ.
          Trong suốt thai kỳ, có sự giảm dần số lượng tiểu cầu, nhưng 98% số thai phụ sẽ có mức tiểu cầu > 116000/mm3. Khi số lượng tiểu cầu thấp hơn mức này, cần tìm các nguyên nhân khác có thể gây giảm tiểu cầu.

THAY ĐỔI TẠI THẬN
          Lưu lượng máu đến thận bắt đầu tăng ngay từ giai đoạn sớm thai kỳ, sau đó lúc tuổi thai khoảng 16 tuần sẽ đạt mức coa hơn trước mang thai khoảng 75%. Độ lọc cầu thận (GFR) tăng khi thai 5-7 tuần, khi đạt đỉnh sẽ cao hơn 50% so với phụ nữ không mang thai.
          Sự thay đổi trong quá trình xử lý glucose tại ống lượn gần khi mang thai vẫn chưa được hiểu rõ. Trong đa số thai phụ, sẽ có hiện tượng bài tiết glucose vào nước tiểu. Khi không mang thai, lượng bài tiết glucose vào nước tiểu <100 mg/ngày, còn trong thai kỳ trị số này có thể đạt 1-10 g/ngày.

THAY ĐỔI Ở MẮT
          Thai kỳ sẽ làm ảnh hưởng lên mắt theo hai cách. Sẽ có hiện tượng dày giác mạc từ tam cá nguyệt đầu tiên, kéo dài cho đến nhiều tuần sau sinh. Những thai phụ có thể cảm thấy giảm thị lực, đặc biệt ở những người phải mang kính hoặc kính sát tròng. Áp lực nội nhãn sẽ giảm khoảng 10% suốt thai kỳ. thai kỳ ít gây hoặc không gây ảnh hưởng đến thị trường