2015-10-12

9 khám hệ thống thận - tiết niệu

9 khám hệ thống thận-tiết niệu
1. chào-hỏi tên-giới thiệu-mục đích-đề nghị đồng ý và hợp tác.
2. hướng dẫn tư thế BN và bộc lộ vùng khám:
BN nằm ngửa, hai chân co, bộc lộ áo xuống ngang hai gai chậu trước trên và lên ngang hai núm vú (che vừa đủ núm vú).
BS ngồi bên phải nếu thuận tay phải.
3. quan sát bụng và vùng hông lưng:
Vùng hông lưng phồng <-- thận to
Quan sát da có đỏ không?
**sờ**
BN nằm yên lặng, thở đều, mềm bụng, ấn tay lúc BN thở ra (cơ mềm dễ khám).
Nếu BN có thận to nhiều (thận đa nang, thận ứ nước, ứ mủ) có thể sờ thấy khối ngay dưới thành bụng.
4. khám chạm thận (chạm hông lưng):
Dùng 1 bàn tay đặt phía sau vùng hông lưng, bàn tay kia đặt lên vùng bụng vùng mạng sườn cùng bên. Hai tay song song với nhau và theo trục chéo của thận. Ấn nhẹ tay khi BN thở ra.
Nếu bàn tay phía sau có cảm giác chạm vào khối đặc --> chạm thận dương tính: có khối u ở vùng hông lưng, hay gặp khi thận to.
5. khám bập bềnh thận:
Động tác giống làm chạm thận. Sau khi ấn, thả nhẹ tay trên (nhưng vẫn sát mặt da), tay dưới hất ngược lên. Làm như vậy nhiều lần.
Dấu hiệu bập bềnh thận dương tính nếu hai tay chạm phải một khối tròn --> thận to.
6. khám các điểm đau niệu quản trên và giữa:
- điểm đau niệu quản trên (điểm nối bển thận-niệu quản): giao điểm của đường ngang rốn và bờ ngoài cơ thẳng to, hoặc điểm ngang rốn cách rốn 3 khoát ngón tay của BN, điểm này tương ứng với đốt sống L2.
- điểm niệu quản giữa (vị trí niệu quản vắt ngang mạch chậu): chia đoạn nối 2 gai chậu trước trên thành 3 phần, hai đầu của đoạn 1/3 giữa là điểm niệu quản giữa, ngang đốt sống L4-L5.
Sau khi xác định điểm niệu quản, một bàn tay đỡ dưới vùng hông lưng, 3 ngón của tay còn lại ấn sâu từ từ tại điểm niệu quản. Các đầu ngón tay song song với bờ ngoài cơ thằng bụng, không vuông góc với thành bụng. Hỏi mức độ đau của  BN, quan sát sắc mặt BN để đánh giá tính chất đau.
- điểm niệu quản dưới khám được kết hợp với thăm khám trực tràng và âm đạo.
Những điểm niệu quản là nơi sỏi kẹt lại, dấu hiệu đau dương tính chỉ mang tính gợi ý, cần phải có các xét nghiệm thăm dò để đi đến chẩn đoán xác định.
7. khám phát hiện cầu bàng quang:
Đánh giá tình trạng căng tức bàng quang do ứ nước tiểu vì nhiều nguyên nhân khác nhau (bình thường không có cầu bàng quang vì không qua khớp mu).
Nhìn: khối u lồi lên ở vùng hạ vị, có thể tới rốn.
Sờ: khối u tròn nhẵn, căng, không di động.
Gõ: đục,vùng đục hình tròn lồi lên phía trên (parabol có bề lõm quay xuống dưới). Chú ý gõ theo hình nan hoa với tâm là khớp mu.
Đặt thông bàng quang mà nước tiểu ra nhiều, u xẹp --> phương pháp chắc chắn nhất để phân biệt với các khối u khác. Nếu có sỏi bàng quang, thông bàng quang bằng ống thông kim loại, có thể thấy tiếng lạch cạch.
Phân biệt với các khối u tiểu khung: có thai, u xơ tử cung, u nang buồng trứng…bằng thăm trực tràng, âm đạo và thông đái.
8. khám vỗ hông lưng (rung thận):
Yêu cầu BN ngồi dậy quay lưng về phía người khám, đầu hơi cúi.
Quan sát vùng hông lưng: sự phồng, da đỏ; sờ nóng, BN đau.
Đặt 1 bàn tay lên vùng thận (lòng bàn tay đặt đúng vào vùng thận), dùng mép bàn tay kia vỗ lên trên 1-2 lần. Hỏi/quan sát cảm giác đau của BN.
Nghiệm pháp dương tính nếu BN đau hoặc có phản ứng tránh đau. Gặp trong ứ nước và ứ mủ thận.
9. thông báo kết thúc khám. Tóm tắt kết quả khám cho BN, tư vấn và giới thiệu BN làm các xét nghiệm tiếp theo (nếu cần). Chào và cảm ơn BN.
10. ghi bệnh án: tổng hợp các triệu chứng đã phát hiện được. Chẩn đoán sơ bộ và đề ra được một số yêu cầu xét nghiệm phục vụ cho chẩn đoán xác định.
*chú ý khi BN ở tư thế ngồi để làm nghiệm pháp vỗ hông lưng thì BS có thể khám các điểm đau khác:
- điểm sườn lưng: giao điểm của bờ dưới xương sườn 12 và bờ ngoài khối cơ lưng to.
- điểm sườn cột sống: góc xương sườn 12 và cột sống.
Dùng 3 ngón tay ấn vào các điểm trên.

Nếu đau: thận ứ mủ, áp xe thận, sỏi thận…viêm tuỵ cấp. Cần so sánh 2 bên khi khám.