2015-08-30

Tư liệu chưa được công bố trong “Đường vào khoa học của tôi”

Bốn quyển vở ô li đã ố vàng, bị mối xông hầu như toàn bộ; những trang giấy đã rời nhau, nhiều con chữ cũng đã nhòe đi bởi độ ẩm thời tiết. Chúng được tìm thấy trong số nhiều tư liệu viết tay khác để trong phòng làm việc của GS Tôn Thất Tùng. Sau khi sắp xếp lại, chúng tôi nhận ra rằng, đó chính là bản thảo đầu tiên của cuốn sách “Đường vào khoa học của tôi”.

 
Bản thảo Phần IV cuốn sách "Đường vào khoa học của tôi"              
            Cuốn sách “Đường vào khoa học của tôi” lần đầu tiên được Nhà xuất bản Thanh niên in và phát hành năm 1978, sau đó được tái bản có sửa chữa, bổ sung nhiều lần nữa với Nội dung gồm Ba phần[1]. Bản thảo đầu tiên của cuốn sách được viết vào cuối năm 1976, được tập hợp từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau: một phần là ký ức về quá trình hoạt động của GS Tôn Thất Tùng từ những năm còn học ở trường Y Đông Dương; một phần khác là từ các cuốn nhật ký ông viết ở thời kỳ Chiến dịch Điện Biên Phủ, từ nhật ký hàng ngày, nhật ký đi công tác ở các nước phương Tây (Pháp, Liên Xô, Mỹ,...); ngoài ra nó còn được trích từ những bài phát biểu, những bài trả lời phỏng vấn của ông trên các báo, tạp chí. Sau lần xuất bản thứ nhất, năm 1979, GS Tôn Thất Tùng đã bổ sung một lượng lớn thông tin về chuyến đi Mỹ của ông: những việc làm của ông liên quan tới vấn đề hợp tác khoa học, vấn đề dioxin, y tế, di cư,…Tuy nhiên khi tái bản bổ sung cuốn sách “Đường vào khoa học của tôi”, những thông tin nhạy cảm về một số vấn đề đã bị cắt bỏ.
            Đối chiếu bản thảo chúng tôi có trong tay với cuốn sách được xuất bản nhiều lần, có thể thấy Nội dung cuốn sách có thay đổi tương đối nhiều so với Đề cương. Trong Đề cương của bản thảo, cuốn sách có tên “Con đường vào khoa học”, gồm Bốn phần: 1/Con đường để giải sầu cho sự tủi nhục vì mất nước; 2/Con đường mòn trong rừng: Con đường giải phóng dân tộc và giải phóng khoa học; 3/ Khoa học và lý tưởng: xây dựng xã hội chủ nghĩa cho đất nước anh dũng; 4/Con đường vào khoa học của thanh niên hiện nay.  Một điều đáng chú ý, sau nhiều lần tái bản, Phần 4 của bản thảo vẫn không được bổ sung vào cuốn sách “Đường vào khoa học của tôi”.
            Nghiên cứu kỹ Phần 4 này, với những lời khuyên rút ra từ kinh nghiệm, từ những trải nghiệm trong cuộc sống, chiến đấu và làm khoa học- cứu người của GS Tôn Thất Tùng, có thể thấy sự quan tâm sâu sắc của ông dành cho thế hệ trẻ đến bây giờ vẫn không vơi giá trị, mang tính giáo dục cao. Với ý nghĩa đó, chúng tôi muốn giới thiệu về một phần nội dung chưa được công bố trong cuốn sách - Phần 4: Con đường vào khoa học của thanh niên hiện nay. 
Những dòng chữ rõ ràng[2], có sự chỉnh sửa bằng nhiều màu mực trong quyển vở ô ly, GS Tôn Thất Tùng như đang trò chuyện với những người thanh niên rằng: “Các bạn đã theo dõi trong lúc tôi còn là một thanh niên mất nước, sống trong bốn bức tường của bệnh viện hay phòng thực nghiệm như trong một nhà tù không có song. Nhưng nhờ ánh sáng khoa học chói vào những con giun hay con sán, cuộc đời tôi đã đỡ sầu tủi và cũng nhờ khoa học, tôi đã thấy cuối cùng con đường đi đến cách mạng dưới ánh sáng của đôi mắt Bác Hồ[3]. Những lời này được GS Tôn Thất Tùng viết trong không khí tưng bừng của những ngày đầu diễn ra Đại hội Đảng lần thứ IV, khi đất nước ta vừa giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đất nước hoàn toàn thống nhất. Khi đó, Đảng ta chú trọng vai trò then chốt của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong ba cuộc cách mạng mà đất nước đang phải nỗ lực thực hiện. Ông nhấn mạnh việc cần thiết phải tiếp cận và đi sâu vào khoa học của các thế hệ thanh niên: “Các bạn thanh niên bây giờ sung sướng hơn tôi nhiều: các bạn đương sống những giờ vinh quang của một tổ quốc thống nhất và một dân tộc đang vươn mình để tiến mạnh trên con đường xã hội chủ nghĩa…. Những con đường khoa học rộng lớn đã mở ra cho các bạn và bạn nào cũng có khả năng được thỏa mãn về nhiệt tình nghiên cứu[4].
Tiếp đó, GS Tôn Thất Tùng chia sẻ một số những hiểu biết của ông về khoa học sinh vật, một lĩnh vực mà ông quan tâm nhiều hơn cả. Ông cũng đã dự báo khá cụ thể những điểm về nghiên cứu tương lai trong Sinh vật học, trong đó có Y học. Với trách nhiệm đối với thế hệ tương lai của đất nước, ông đã gợi mở cho họ chuẩn bị một số hành trang khi tiến vào con đường khoa học.
 Giáo sư Tôn Thất Tùng cho rằng, trước hết phải biết bền bỉ trong nghiên cứu, bằng chứng là ông đã dẫn ra việc thực hiện phương pháp cắt gan của mình bắt đầu từ năm 1937, bị thất bại vào năm 1939, năm 1960 mới nghiên cứu trở lại và mãi năm 1964 các đồng nghiệp trong ngoài nước mới thừa nhận và thán phục. Ông nhấn mạnh: “Một công trình có giá trị đòi hỏi nhiều thời gian…Đứng về khoa học mà nói, thành công không quan trọng trong nghiên cứu, sự quan trọng là xây dựng cho bản thân người nghiên cứu một thái độ khoa học, một phương pháp khoa học[5].
  Chú trọng đến công cụ phục vụ nghiên cứu, GS Tôn Thất Tùng khuyên thế hệ trẻ muốn làm được khoa học thì phải trang bị cho mình vốn ngoại ngữ, bởi vì: “Trong vấn đề khoa học, thông tin là vào hàng đầu. Có nắm được tin tức nhiều mới biết phát minh tốt. Tin tức trong nước không đủ, vì nó chỉ giống như một hạt nước trong biển cả mênh mông về nghiên cứu khoa học của thế giới, phải nắm kịp thời vì tình huống khoa học thay đổi một cách rất nhanh chóng”. Dẫn ra trường hợp của chính bản thân khi nghiên cứu trong lĩnh vực Y học, phải nắm tất cả tin tức về sinh vật học và cũng phải theo dõi các phát minh về các ngành khác như di truyền, hóa học, vật lý, toán học,… ông cho rằng, trong thế giới ngày nay, một phát minh ở một ngành có tác dụng rất rộng rãi và có khi rất sâu sắc đến ngành khác. Ngay cả việc nghiên cứu về ung thư mà không nắm được các lý luận về màng tế bào thì cũng không theo dõi được các tin tức,… Chính vì vậy, ông khẳng định, ngoại ngữ chiếm vai trò then chốt và đặt ra một giả thiết hết sức nghiêm túc: “Nếu như tôi có quyền, tôi sẽ bắt buộc tất cả các trường đại học ngày nay phải dạy vào năm đầu tiên hai tiếng ngoại quốc trước khi vào học chương trình thật sự[6].
Muốn làm khoa học thì cần phải biết quan sát và có trí tưởng tượng. Có trí tưởng tượng mới biết đặt vấn đề cho mọi sự việc ở vào một khía cạnh nào đấy, không có giả thuyết thì không có phát minh khoa học. Đồng thời, người làm khoa học cũng phải là người có vốn văn hóa rộng chứ không phải chỉ là những nhà chuyên môn thuần túy. GS Tôn Thất Tùng nhấn mạnh tác dụng của việc sử dụng phương pháp trong nghiên cứu. Từ kinh nghiệm của bản thân, ông cho rằng, nghiên cứu khoa học không phải là đóng cửa để đọc sách, mà tìm những sự việc thích đáng, đặt giả thuyết để kiểm tra, đây là công việc lao động vừa chân tay vừa trí óc, trí óc chỉ đường cho chân tay, tay lại hướng lại trí óc, và như thế mãi để đi đến mục tiêu đã định. Ông viết: “Phương pháp khoa học là một quá trình có khi rất lâu dài và gian khổ để kiểm tra. Kiểm tra của nó dựa trên logic và thực nghiệm. Cách làm phải hoàn toàn cởi mở, không được bí mật và tất cả các kết quả phải được tất cả mọi người kiểm tra, bằng cách theo những đường lối mà người phát minh đã dùng. Như vậy, một công trình khoa học đòi hỏi tất cả cách tính toán, giả thuyết quan sát qua kinh nghiệm, kết quả đều phải được kiểm tra đi, kiểm tra lại, phê bình, thảo luận và ngay cả phủ nhận nữa[7].
Cuối cùng, GS Tôn Thất Tùng đặt ra câu hỏi phải làm gì để có những nhà bác học, làm sao tổ chức tốt nghiên cứu khoa học? Ông lý giải: “Nghiên cứu khoa học phải đi đôi với phục vụ sản xuất và giảng dạy. Giảng dạy có nghĩa dạy nhóm chứ không phải lên lớp, dạy cách làm hơn là lý luận mà đã có trong sách. Việc này đặt ra tổ chức lại các trường đại học và phải coi các trường đại học là cơ sở cơ bản của nghiên cứu. Chúng ta nên theo kinh nghiệm của các nước ngoài tổ chức thành các đơn vị nghiên cứu và phát triển các đơn vị theo nhu cầu quốc gia. Chúng ta phải mở rộng các xí nghiệp, các cơ sở sản xuất cho các đơn vị nghiên cứu…[8].
Trong Lời cuối Phần 4 bản thảo viết tay của mình, GS Tôn Thất Tùng một lần nữa khẳng định giá trị của độc lập, tự do của một dân tộc: “Tôi đã may mắn sống trong một thời đại mà thấy được hai chuyện kỳ diệu của lịch sử loài người: Một dân tộc từ một trăm năm bị chà đạp đã vùng lên và đánh bại hai cường quốc; và con người đã vào giai đoạn thay đổi môi trường, từ trái đất bay vào vũ trụ. Nhìn lại thì thấy chúng ta thực sự đã khôi phục một nước Việt Nam độc lập thống nhất và theo hòa bình… chúng ta - những người khoa học là những chàng trai đẹp đến thách thức nàng công chúa đang ngủ giấc trăm năm. Với khoa học, chúng ta sẽ đưa lại nước ta và dân ta vào thời đại năng lượng, thời đại nguyên tử, thời đại hành tinh…[9].
17 trang giấy viết trên quyển vở ô li với những con chữ mực xanh đậm, nhạt, gạch xóa nhiều chính là Phần thứ tư trong cuốn sách “Đường vào khoa học của tôi”. Tiếc rằng nó không được đưa vào trong lần xuất bản đầu tiên, cũng như chưa được bổ sung cho những lần tái bản của cuốn sách. Những trích dẫn phần tư liệu chưa được công bố trên đây thực sự là những lời tâm huyết của GS Tôn Thất Tùng tâm sự cùng thế hệ thanh niên đương thời, vào thời điểm những năm đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh.Thiết nghĩ giá trị của nó vẫn còn mới mẻ và nguyên vẹn. Sinh thời GS Tôn Thất Tùng không chỉ là một bác sĩ nổi tiếng, một nhà khoa học mà ông còn là một trí thức yêu nước có tâm hồn trẻ trung, luôn đồng hành và sẵn sàng là bạn với những người trẻ tuổi - những người xây dựng đất nước tương lai. 
Nguyễn Thanh Hóa
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam



[1] Phần I: Từ nỗi tủi nhục của một sinh viên mất nước đi theo kháng chiến; Phần II: Con đường mòn trong rừng: Con đường giải phóng dân tộc và giải phóng khoa học; Phần III: Nhà khoa học và sự nghiệp xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội.
[2] Bản thảo gốc của phần IV được GS Tôn Thất Tùng đề ngày 19-12-1976.
[3] Bản thảo “Con đường vào khoa học”, phần IV, trang 2.
[4] Bản thảo “Con đường vào khoa học”, phần IV, trang 3.
[5] Bản thảo “Con đường vào khoa học”, phần IV, trang 9.
[6] Bản thảo “Con đường vào khoa học”, phần IV, trang 10.
[7] Bản thảo “Con đường vào khoa học”, phần IV, trang 11-12.
[8] Bản thảo “Con đường vào khoa học”, phần IV, trang 15.
[9] Bản thảo “Con đường vào khoa học”, phần IV, trang 17.