2015-05-22

kinh nghiệm học Y

Cách học của trường Y, tâm sự từ một bác sĩ đa khoa đã ra trường. Bài viết này dành cho sinh viên Y đa khoa nói riêng và y khoa nói chung tất cả các năm, hy vọng giúp ích phần nào cho các thế hệ sau.

Bài viết này không phải từ một sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, chỉ đơn giản là từ kinh nghiệm bản thân, một người đã bỏ phí khá nhiều thời gian trong quá trình học Y, trước khi nhận ra rằng, đam mê của mình với cái nghề này lớn đến thế nào. Qua hơn chục năm gắn bó với đại học Y Hà Nội, mình có vài nhận xét như sau

Thuận lợi

- SV Y ngày nay có điều kiện tiến gần với thế giới hơn, nhờ lợi thế về ngoại ngữ, về giao tiếp, kết nối của mạng Internet. Đó là thuận lợi không gì có thể thay thế được đối với một sinh viên Y.

Khó khăn

- SV càng ngày càng đông, giảng đường, cơ sở thực tập không thay đổi

- Trường Y càng ngày càng có xu hướng thương mại hóa nhiều, sự quan tâm đến SV giảm đi nhiều. Bạn có thể thấy ngày càng rõ khi đi lâm sàng, các buổi giảng lâm sàng.

- Chất lượng giảng viên không đồng đều. (xin nói giảm, nói tránh)

Vậy để học Y đạt kết quả cao nhất, cần phát huy thuận lợi và dùng thuận lợi để hạn chế khó khăn. Bài viết này xin không đề cập đến khía cạnh rèn luyện đạo đức, mình không thích là người đi giảng giải đạo đức. Học Y, muốn làm được những điều dưới đây, điều đầu tiên cần là một niềm đam mê. Không có đam mê, bạn không thể làm tốt bất kì việc gì, chứ đừng nói riêng gì ngành Y. Muốn làm được như mình hướng dẫn dưới đây không thể ngồi ăn sẵn mà phải tự thân vận động, tìm tòi, đào sâu vấn đề.

Vậy, bản thân người viết bài này điểm tổng kết qua các năm như thế nào

Năm 1: 6,7, Năm 2: 7,04, Năm 3: 7,4, Năm 4: 7,6, Năm 5: 8,6 (học bổng Mitsubishi), Năm 6: 8,0
Có vẻ tiến dần đều nhỉ

Tôi đã bỏ lỡ vài năm đầu vì ngủ quên trong chiến thắng của việc “đỗ đại học” và ăn chắc chỗ làm khi ra trường (COCC).

Nguyên tắc đầu tiên khi học Y

- Tự thân vận động, đừng phụ thuộc vào các thầy, các thầy chỉ là người hướng dẫn khi có điều mình chưa hiểu khi tự tìm tòi.

- Đừng học vì điểm.

- Học vì cái mình cần biết sau này, học để hiểu, học để vận dụng tư duy, vận dụng để chẩn đoán và điều trị sau này.

- Chuẩn bị mọi thứ cần thiết để tốt nghiệp.

Đích đến cuối cùng

- Thi nội trú và đỗ nội trú (70% sinh viên Y). Trượt thì học định hướng và xin việc ở các bệnh viện, thậm chí tự góp vốn lập viện tư.

- Đi học tiếp sau đại học ở nước ngoài (Thụy ĐIển, USA, Nhật). Một số ít có khả năng và điều kiện sẽ thi nội trú Mỹ (Thi USMLE)

- Nghiên cứu khoa học (bỏ lâm sàng)

- Làm trái ngành nghề, gọi là trái thôi, cũng khá liên quan: bảo hiểm, trình dược, buôn bán thiết bị y tế.

Học như thế nào

Năm 1 và năm 2

- Chuẩn bị cho mình một vốn tiếng Anh thật chắc, tôi nhắc lại là tiếng Anh. Sao cho hết năm 3,4 đạt IELTS 7.0 hoặc Toefl ibt tương đương. Tôi không khuyến khích tiếng Pháp dù nhiều chương trình hợp tác với Pháp vì tiếng Anh là đủ để các bạn giao tiếp, đọc, học các tài liệu Y khoa chuyên ngành, các bài báo cập nhật.

- Học thật tốt, hiểu thật sâu Giải Phẫu, Sinh Lý. Tôi vẫn nhắc lại là Giải Phẫu và Sinh Lý, nó là nền móng cho mọi bộ môn lâm sàng sau này. Học và hiểu. Khó khăn nhất là giải phẫu 2 năm mới được 2 cái xác, số đen học năm sau học sinh viên “phá” 1 chút là tanh bành rất khó xem. Một cách khắc phục là học bằng bộ Acland Anatomy, 1 bộ 7 DVD cực kì chi tiết của BS Acland. Cái khó: phải có tiếng Anh, xem lại điều 1. Atlas: Netter không phải bàn.

- Các môn nào đáng lưu ý nữa: Vi Sinh, Hóa Sinh, Mô Phôi, Miễn Dịch

- Các môn khác: đừng để trượt.

- Cuối năm 2 có thể xin tham gia 1 đề tài nào đó của các bộ môn cơ sở để làm quen với khái niệm về “nghiên cứu khoa học”.

Tài liệu ngoại văn khuyến cáo nên có: Medical Terminology (thuật ngữ Y học, rất quan trọng bởi bạn giỏi tiếng Anh không có nghĩa là bạn đọc, học và dịch được tài liệu Y khoa); 1 quyển từ điển Y khoa Anh Việt, Gray Anatomy for Student hoặc Clinically Oriented Anatomy(1 trong 2); Costanzo’s Physiology. Không khuyến cáo đọc Guyton hoặc Gray bố.

Năm 3

Năm này khá đặc biệt, có tính chất bản lề, bạn bắt đầu được học tiền lâm sàng và đi lâm sàng vào học kì 2. Có 3 môn cần nắm vững trong năm 3: Giải phẫu bệnh, sinh lý bệnh và Dược Lý, rất quan trọng sau này. Nếu nắm được giải phẫu, sinh lý, sinh lý bệnh thì dược lý không khó như bạn tưởng.

Học thật tốt tiền lâm sàng, cách khám bệnh. Đọc Bate’s guide là tốt nhất để hỗ trợ

Đi lâm sàng Y3 cần nhất là học cách khám đúng, phát hiện triệu chứng đúng, đặc biệt là các đêm trực, và đừng tỏ ra khó chịu khi bị sai đi lấy xét nghiệm bởi bạn sẽ nhận lại được nhiều thứ không ngờ đâu, dù sao cũng là phục vụ bệnh nhân, phục vụ bác sĩ chẩn đoán và điều trị. Năm 3 cần khám phát hiện triệu chứng đúng và bắt đầu gắn triệu chứng vào bệnh, bắt đầu học tư duy chẩn đoán từ triệu chứng vào bệnh. Năm nay khám càng nhiều càng tốt, hỏi càng nhiều càng tốt trên nguyên tắc : tự thân vận động là chính, các BS không phải lúc nào cũng đúng nhưng chắc chắn nhiều kinh nghiệm hơn mình, và tiếp tục đứng trên cơ sở của giải phẫu và sinh lý.

Tài liệu ngoại văn khuyến cáo: Bate’s Guide, Katzung Pharmacology, Robbin Contran Pathology, Guyton Physiology, giờ mới là lúc đọc đến Guyton.

Năm 4, năm 5

Cơ bản thì 3 năm 3,4,5 học được lâm sàng nhiều nhất. Năm 4 bắt đầu học về bệnh học, từ triệu chứng, chẩn đoán sơ bộ phải chỉ định được xét nghiệm, đọc được xét nghiệm và biết về điều trị. Cách học tốt nhất là bám chặt vào 1 vài bệnh nhân trong khoa, theo sát được diễn biến bệnh, xem điều trị của bệnh nhân, đọc tài liệu và so sánh. Chú ý rằng vẫn trên nguyên tắc tự thân vận động. Có thể mọi thứ thực tế không diễn ra đúng như trong sách vở, so sánh, đối chiếu và đặt ra câu hỏi tại sao. Không xem, chép chẩn đoán trong bệnh án vì không phải bao giờ BS cũng đúng.

Đi lâm sàng tôi có riêng một khái niệm về “nhạy cảm lâm sàng” và cái này không thể dạy được.

Học về Nhi là 1 thế giới khác, mọi khái niệm phải xây dựng lại từ đầu

Đi các chuyên khoa lẻ cũng để các bạn có thêm cái nhìn tổng quát, giúp định hướng chuyên khoa sau này

Tài liệu khuyến cáo: Harrison’s (dù bạn làm chuyên khoa nào cũng nên đọc), Washington manual medical therapeutics, Schwartz’s Surgery, Nelson’s Pediatrics hoặc Harriet Lane Handbook, ngắn gọn cho Nhi

Kỹ năng nên luyện có, dù làm bất kì CK nào: đọc điện tim, XQ tim phổi, một số thủ thuật chọc dịch màng phổi, ổ bụng, khâu tiểu phẫu.

Cuối năm 4, nếu đủ bản lĩnh tiếng Anh, hãy đăng kí để đi Úc 1 tháng (học bổng Hocmai) và nên tham gia 1 đề tài nghiên cứu khoa học cùng các thầy cô bên bộ môn YTCC, học kĩ năng và những khái niệm về nghiên cứu. Đầu năm thứ 5 nếu có ý định thi nội trú, hãy bắt đầu xin tài liệu và tự chuẩn bị tài liệu dần, xin đề tài tốt nghiệp dần

Năm 6

Không học được nhiều như bạn tưởng, tua lại 1 vòng Nội Ngoại Sản Nhi, củng cố kiến thức, làm khóa luận, học trâu bò nếu có ý định thi nội trú.

Củng cố ngoại ngữ và tìm các học bổng sau đại học ở nước ngoài.

Trên đây chỉ là vài tips trong quá trình học, chắc chắn còn thiếu sót nhưng tôi cho làm được thế bạn đã quá thành công trong 6 năm học Y rồi. Chúc các bạn học tốt, mơ nhiều, yêu say đắm.

HMU Confessions