2016-01-25

Học quan sát cách nào?

Học quan sát cách nào?

Bài này mình viết trên blog đã lâu rồi, giờ đọc lại thấy có lẽ nó sẽ hữu ích cho một số bạn, nên mình chia sẻ lên page. Hy vọng sẽ có ích! :D
---------------------------------------------------------------------------


               Tôi rất thích vẽ. Tôi nhớ có đêm hồi còn đi học, hồi năm 11, tối bữa đó tôi học bài khuya hơn bình thường, hình như tới gần 11 giờ (hồi đi học hiếm khi tôi học bài khuya lắm, thường học ban ngày thôi, tối thường xem phim bộ). Bữa đó nổi hứng lấy giấy A3 ra ngồi vẽ. Tôi thích cái hình bìa của cuốn truyện tranh Sakura. Thế là tôi vẽ lại hình đó lớn lên thành khổ A3. Tới hồi vẽ xong coi đồng hồ mới biết tôi đã ngồi vẽ suốt 4 tiếng đồng hồ liên tục. Tôi tưởng đồng hồ hư, nhảy bậy, nên đi lên nhà coi đồng hồ treo tường. Đúng thế thật! Vậy mà tôi cứ tưởng mới khoảng 15 phút thôi. Đó từng là trò giải trí của tôi, và tôi cũng tự hào rằng mình "chép tranh" rất đẹp.

               Ấy vậy mà người ta kêu tôi không nhìn hình mà vẽ lại thì tôi vẽ không được. Sau này mới hiểu là do tôi chưa có khả năng quan sát. Kỹ năng quan sát là điều đầu tiên chúng ta cần phải luyện tập. Ở đây tôi muốn nói đến quan sát bằng mắt, không phải quan sát bằng óc hay bằng cảm tính.

               Quan sát bằng mắt tức là thông tin mắt nhận được thế nào thì ta "nhìn thấy" như vậy (tôi trừ luôn không xét trường hợp ảo ảnh ở đây để đỡ phức tạp hóa vấn đề). Còn quan sát bằng óc tức là nhận nó theo quan điểm của mình. Ví dụ người ta làm thí nghiệm đưa ra khoảng 25 đồ vật rồi cho bạn quan sát trong 2 phút tới 2 phút rưỡi. Sau đó bắt bạn kể lại. Người ta nhận thấy rằng bạn có xu hướng nhớ mấy thứ ấn tượng hoặc có lợi cho bạn, chẳng hạn như cục tiền, hình mỹ nhân thường được nhớ nhiều nhất ngoài mấy thứ ấn tượng mạnh ra. Còn những thứ mà bạn không biết nó là cái gì thì thường bạn không nhớ. Và vì chúng ta có thói quen quan sát bằng óc nên chỉ nhìn thấy cái chúng ta muốn thôi. Có rất nhiều thí nghiệm về chuyện đó.

               Và khi chúng ta càng quen thuộc với cái gì thì chúng ta càng quan sát nó kém hơn. Tôi biết nhiều người có khả năng gõ chín, mười ngón tay trên bàn phím mà không cần nhìn, nhất là mấy đứa trung học chat chit như điện. Nhưng mà tôi kêu bạn viết lại thứ tự mấy phím đó sắp xếp ra sao thì chịu, bó tay (tôi là một trong số đó). Hay khi đọc sách bạn có thể đọc nhầm chữ này với chứ kia do là bạn nghĩ như vậy. Thôi tôi không đi quá sâu về phân biệt khái niệm quan sát bằng óc và bằng mắt ra sao. Tôi sẽ chỉ cho bạn cách luyện khả năng quan sát mà tôi học được ở nhiều nguồn.

               Đầu tiên tôi muốn kể đến một trò chơi của tiến sĩ Kawashima người Nhật Bản. Ông ấy là chuyên gia về nghiên cứu hoạt động não bộ. Ông ấy tạo ra trò chơi để luyện trí não được đánh giá là tốt nhất thế giới: trò BrainAge (hiện nay đã có phiên bản BrainAgeII). Trong đó ông bắt bạn vẽ lên màn hình cảm ứng một vật chỉ dựa trên trí nhớ thôi, vẽ bao lâu cũng được. Ví dụ kêu bạn vẽ xe đua công thức 1 (bạn biết chiếc xe đó mà phải không, sao không thử ngừng đọc mà vẽ thử nhỉ), rồi sau khi bạn vẽ xong thì sẽ hiện lên một chiếc xe đua khác để bạn tiện so sánh và đánh giá. Đó là cách rất tốt để luyện trí não. Tôi cho rằng đó là cách rất tốt để rèn khả năng quan sát.

               Ban đầu bạn sẽ rất khó khăn vẽ lại một thứ chỉ dựa trên ký ức. Vẽ hoài, xóa rồi lại vẽ lại hoài mà không sao vừa lòng. Nhiều khi nó còn chẳng giống chiếc xe nữa. Rồi bạn so sánh bạn sẽ thấy những điểm mà trước đây mình không để ý tới: ví dụ như cánh gió ở đua xe lật lên hay xuống, bánh sau với bánh trước có kích cỡ khác nhau không, mũi xe sát đất hay trung bình, và khi quen tay bạn sẽ thấy những chi tiết nhỏ nhặt hơn nữa. Vậy đó là cách đầu tiên để bạn luyện khả năng quan sát: vẽ một vật bằng trí nhớ, rồi so sánh lại. Bạn có thể bắt đầu với những vật dụng xung quanh mình: chuột máy tính, cái ghế ở trường, cái đèn bàn, chai dầu gội đầu,… những thứ mà bạn có thể so sánh lại được, và bạn có thể tập trung giờ rảnh, không mất quá 5 phút.

               Tôi có nghe kể là ông Leona de Vinci hồi nhỏ bị thầy học tối ngày bắt vẽ trứng. Ổng làm theo. Mà làm hoài rồi chán. Ổng thấy ổng vẽ đẹp rồi. Mà ông thầy không chịu, biểu ổng vẽ nữa. Cho ổng cả một giỏ trứng để ổng vẽ. Rồi ổng cũng vẽ. Mà thắc mắc hoài sao mà thầy chưa chịu. Nằn nì hỏi thầy thì thầy mới nói lại là mỗi cái trứng đều khác nhau cả, nó đều có đặc điểm riêng, mà ổng chưa vẽ được đặc điểm riêng đó thì thầy không dạy tiếp. Nghe lời thầy, sau này Leona de Vinci mới nổi danh thế giới không chỉ bởi hội họa, điêu khắc mà còn rất nhiều lĩnh vực khác nữa như giải phẫu, khoa học, vân vân. Đó cũng là nhờ khả năng quan sát đỉnh cao của ông.

               Ái chà, đó là ông ấy tập trung vào cái kỹ năng quan sát trước rồi mới tính tới kỹ thuật dùng cọ. Đầu tiên phải quan sát để nhận biết được đặc điểm đặc trưng của vật đó đã. Bạn có thấy những nghệ sĩ vẽ tranh trào phúng, châm biếm trên các báo, đặc biệt là báo nước ngoài, đó không. Họ vẽ không đẹp. Nhưng họ vẽ nhanh lắm, phác mấy nét là ra mặt ông Bill Gates, mấy nét là mặt ông Washington, mấy nét là ra mặt Lincoln,… mà chúng ta nhận ra được liền là người đó mà ổng chẳng cần phải chú thích tên. Tại vì nghệ sĩ đó có khả năng quan sát rất tốt, người ta nhận ra được liền những đặc trưng trên khuôn mặt người đó rồi phóng đại cái đặc trưng ấy lên. Ai ai cũng biết được. Vậy quan sát tốt thì trước hết phải nhận xét được cái đặc trưng đã.

               Tài năng quan sát được đào tạo bài bản nhất, kỹ lưỡng nhất phải kể đến là lính bắn tỉa. Tất nhiên chẳng ai chọn huấn luyện lính bắn tỉa cận thị cả. Nhưng đừng lo vì bạn bị cận, những phương pháp của họ bạn hoàn toàn áp dụng được. Mỗi buổi sáng họ được gom lại thành từng nhóm nhỏ, đứng xung quanh một cái bàn, rồi người hướng dẫn cho họ xem vài chục vật dụng nhỏ (tôi nhớ hình như là 40 vật dụng thì phải) trong vài phút. Thời gian xem bạn có thể tự tùy chỉnh, trung bình 20 vật thì bạn cần 2 phút, 40 vật thì bạn giới hạn ở 5 phút là giỏi rồi. Sau đó người ta bắt người lính đó kể lại liền. Nhưng mà không được kể tên, mà phải liệt kê đặc điểm. Ví dụ: bạn không được viết tên là viên đạn. Bạn phải viết là: hình trụ bán kính khoảng 1cm, dài khoảng 10cm, đầu thuôn nhọn dần, màu ánh bạc sọc dọc, đáy có 2 vòng tròn, có khắc chữ NKA-50mm, vân vân... Chẳng hạn như thế. Bạn có thể tập cách này. Nếu tập một mình thấy chán thì rủ vài ba đứa bạn, tốt nhất là mấy đứa chung phòng để tập chung (mỗi ngày 1 đứa đóng vai người hướng dẫn).

               Cách luyện như vậy giúp người ta quan sát cái bản chất của sự vật chứ không xét đến công năng, hay những cái mà óc ta bị nhiễm trước đó. Bởi vì những sai biệt rất nhỏ thôi, người lính bắn tỉa có thể gây ảnh hưởng đến an nguy quốc gia. Nhưng chỉ tập như vậy thì chưa đủ. Để tôi kể tiếp.

               Sau đó người ta không cho lính kể lại liền, người ta bắt họ làm việc gì đó đã, sau một giờ rồi mới kể lại. Như vậy luyện trí nhớ nữa. Rồi dần dần tăng thời gian đó lên, cho tới khi lúc sáng cho người ta xem 40 vật, đến tối trước khi đi ngủ kêu người ta kể lại, coi như đạt. (Thật ra người ta còn tập nhiều thứ liên quan đến quan sát lắm, như là dùng ống nhòm cách xa vài trăm thước xác định vị trí của cây bút chì cắm xuống đất trong một bãi cỏ um tùm chẳng hạn, nhưng tôi sẽ không nêu thêm ở đây).

               Vậy thì tôi tóm gọn lại kỹ năng quan sát: hãy nhìn bằng mắt chứ đừng nhìn bằng óc. Đây là quá trình tập luyện lâu dài. Mấy cách trên đều hiệu quả, tôi có áp dụng và thấy mình tiến bộ, nhưng không kiên trì tập đều đặn. Tuy nhiên khi hiểu được sự phân biệt này, chú ý trong nhiều việc nhỏ hàng ngày, bạn sẽ học được nó mà không phải vào trại lính bắn tỉa.

               Bạn có thể tự luyện bằng cách quan sát khuôn mặt của ai đó, rồi cố gắng tả lại (tốt nhất là vẽ lại) và tuyệt nữa nếu bạn ghép được với tên hay đặc điểm của người đó. Việc này giúp ích rất nhiều trong quan hệ giao tế hàng ngày, đặc biệt là trong kinh doanh.

               Bạn có thể tập quan sát các bạn nữ (phái nữ giỏi vụ này ghê lắm) xem hôm nay tóc họ thế nào, quần áo thế nào, có đeo nhẫn không, có đeo bông tai không, có đổi kiểu kính không, mập hơn hay ốm hơn,... (tất nhiên còn thái độ, cử chỉ, tư thế, trạng thái,... nữa, cứ từ từ tập dần), bạn sẽ rất được lòng các bạn nữ vì sự tinh tế của mình. Nhưng cũng cảnh báo là đừng có bị bệnh kỹ tính quá, chả ai thích cái người mà suốt ngày soi mói người khác, hay quá kỹ tính đến nỗi cái khăn bàn dịch 1 ly cũng nhận ra. Tuy nhiên đạt được như vậy thì khả năng quan sát của bạn rất tốt, và tánh tình cũng cầu toàn nữa.

               Tùy vào công việc của bạn là gì mà bạn có thể có cách áp dụng những nguyên lý quan sát ở trên cho thuận tiện, không ảnh hưởng công việc, không tốn nhiều thời gian, mà lại tạo ra được niềm vui, lại vừa nâng cao hiệu suất làm việc. Tôi nghĩ làm việc gì cũng cần kỹ năng này cả. Đừng vào trại lính, hãy tập trong chính cuộc sống và công việc hàng ngày của bạn. Chúc bạn thành công.

-----------------------------------------------
P/S: Tôi nhớ có đọc ở đâu đó chuyện một nhà hàng ở Mỹ cực kỳ nổi tiếng hồi những năm 80-90 chỉ vì nhà hàng đó có một nhân viên giữ đồ tuyệt vời. Người nhân viên này rất giỏi nhớ mặt, đi vào gửi đồ là biết khách là ai, từng ghé hồi nào (thậm chí mấy năm trời mới ghé lại), và gửi áo khoác hay túi xách ở đó mà chẳng cần lấy thẻ. Trong mấy chục năm ông ấy chưa đưa nhầm bất kỳ trường hợp nào. Quả là một bảo vật. Tôi cho rằng cũng bắt đầu từ khả năng quan sát.

Luyện tập được quan sát những khía cạnh vật chất rồi, ta rất dễ luyện quan sát mặt tinh thần (hai cái này thường phát triển song song trong cuộc sống thường ngày, tuy nhiên nếu bạn là nhà nghiên cứu quá chuyên môn mà ít tiếp xúc với con người thì chuyện lại khác). Đó là cái mà người ta gọi là "nhìn sắc mặt". Tôi có nghe ông Michael Potter bảo rằng: "The most important thing in communication is hearing what isn't said". Lời đó thật là chí lí. "Điều quan trọng nhất trong giao tiếp là lắng nghe những gì không được nói lên", vậy thì chỉ có cách quan sát và cảm nhận mà thôi.

Ken.