chuyên mục

2019-05-15

cắt khâu tầng sinh môn


cắt khâu tầng sinh môn
Ths Nguyễn Duy Hưng

ĐẠI CƯƠNG
- Trong khi đẻ, tầng sinh môn có thể bị rách gây ra sẹo xấu, nếu rách to thương tổn cơ thắt hậu môn trở nên rất nguy hiểm.
- Một số sản phụ có tầng sinh môn dày, cứng làm cho thì sổ của thai nhi lâu và khó khăn gây ngạt hoặc sang chấn não cho thai nhi non tháng.
- Để tránh những thương tổn đó, người ta cắt tầng sinh môn khi đẻ và khâu lại. Ngoài ra cắt tầng sinh môn còn được áp dụng trong các thủ thuật lấy thai đường dưới như forceps, giác hút…

CHỈ ĐỊNH
Người mẹ:
- Âm hộ hẹp, tầng sinh môn ngắn và rắn.
- Âm hộ và tầng sinh môn phù nề.
Thai nhi:
- Thai to.
- Thai non yếu, thiếu tháng, thai suy.
- Các ngôi thai có khó khăn khi sổ.
Thủ thuật đẻ đường dưới (nếu cần): Forceps, giác hút sản khoa,…

CHUẨN BỊ
Cán bộ thực hiện quy trình kỹ thuật:
- Nữ hộ sinh
- Bác sĩ chuyên khoa phụ sản
Phương tiện, vật tư, thuốc:
- Bộ cắt, khâu tầng sinh môn.
- Thuốc gây tê, phương tiện sát khuẩn
Người bệnh:
Kiểm tra toàn trạng, mạch, huyết áp, máu âm đạo. Phải chắc chắn không còn sót rau, tử cung co tốt, không rách âm đạo mới tiến hành khâu tầng sinh môn.

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Nguyên tắc:
Cắt khi âm hộ, tầng sinh môn đã phồng căng trong lúc có cơn co tử cung và sản phụ đang rặn.
Giảm đau:
Gây tê vùng tầng sinh môn định cắt bằng Lidocain 2% 2ml +3ml nước cất. Nếu bệnh nhân đã được gây tê ngoài màng cứng để giảm đau rồi thì không cần gây tê tại chỗ nữa.
Cắt tầng sinh môn:
- Cắt ở vị trí 7 giờ, chếch 45o so với đường trục âm hộ, dài 4 - 5 cm tùy mức cần thiết.
- Thường chỉ cắt một bên là đủ; rất hãn hữu trong những thai to, sổ khó có thể cắt cả hai bên.
- Dùng kéo thẳng, đầu tù, lưỡi dài và sắc.

Khâu tầng sinh môn:
Chỉ khâu tầng sinh môn khi chắc chắn rau thai đã sổ, đã kiểm soát được đờ tử cung và các sang chấn đường sinh dục.
Nếu đường cắt tầng sinh môn không rách thêm, chúng ta sẽ thực hiện 3 mũi khâu vắt bằng chỉ vicryl rapid…
+ Mũi khâu vắt thứ nhất bắt đầu từ trên vết cắt trong âm đạo 0,5cm ra tới gốc của màng trinh phía ngoài; khâu hết đến tận đáy kéo hai mép của âm đạo gốc của màng trinh sát vào nhau.
+ Mũi khâu vắt thứ hai: Bắt đầu từ đỉnh của vết cắt tầng sinh môn phía ngoài vào tới gốc của màng trinh phía trong. Khâu từ phần dưới da cho đến gốc của màng trinh phía trong.
+ Khâu vắt dưới da hoặc trong da để tạo cho sẹo tầng sinh môn nhỏ và mềm mại.

Ở những cơ sở y tế không có chỉ đảm bảo cho khâu vắt chúng ta có thể khâu mũi rời với 3 thì khâu như trên. Lớp ngoài cùng nên khâu mũi rời bằng chỉ không tiêu và sẽ cắt chỉ ngoài da sau 5 ngày.
- Nếu vết rách sâu ở trong âm đạo và rách sâu ở tầng sinh môn thì chúng ta phải khâu mũi rời.
- Khâu da nên khâu mũi vắt dưới da hoặc trong da bằng chỉ vicryl rapid để cho sẹo nhỏ và mềm mại.
PHÂN ĐỘ RÁCH TẦNG SINH MÔN
- Độ I: Rách da và niêm mạc âm đạo
- Độ II: Rách da, niêm mạc âm đạo và một phần cơ tầng sinh môn (thường là cơ hành hang)
- Độ III: Rách cơ tầng sinh môn tới tận nút thớ trung tâm
- Độ IV: Rách qua nút thớ trung tâm tới tận phên trực tràng âm đạo, làm âm đạo thông với trực tràng

THEO DÕI

- Vệ sinh rửa bằng nước sôi để nguội, thay băng vệ sinh 3 đến 5 lần hàng ngày nhất là sau khi đi tiểu tiện, hoặc đại tiện.
- Trong 5 đến 6 ngày đầu sản phụ có thể đứng dậy đi lại nhẹ nhưng không nên đi lại mạnh.

BIẾN CHỨNG
Chảy máu: có thể chảy máu kéo dài thành khối máu tụ to dần.
- Nguyên nhân có thể do khâu không hết lớp, chỉ lỏng, đứt chỉ.
- Xử trí: khâu lại
Nhiễm trùng vết khâu, có thể toác vết khâu
- Xử trí: cắt chỉ tầng sinh môn cách quãng, rửa sạch, kháng sinh tại chỗ và toàn thân.