chuyên mục

2018-07-15

19 hóa sinh máu


19 hóa sinh máu
ThS. Trần Khánh Chi

MỤC TIÊU
• Nắm được thành phần hóa học cơ bản của máu, vai trò của từng thành phần
• Nắm được vai trò và chức năng của một số loại protein trong huyết thanh
• Một số thay đổi bệnh lý điển hình của thành phần protein huyết thanh

CHỨC NĂNG SINH LÝ CỦA MÁU:
*Chức năng dinh dưỡng: Vận chuyển các chất dinh dưỡng tới các cơ quan trong cơ thể
*Chức năng bài tiết: Vận chuyển các chất cặn bã từ các cơ quan trong cơ thể tới các cơ quan bài tiết đào thải ra ngoài

* Chức năng hô hấp:
+ Vận chuyển O2 từ phổi tới các mô
+ Vận chuyển CO2 từ các mô về phổi

* Chức năng bảo vệ:
+ Hệ thống kháng thể, kháng độc tố, bạch cầu
+ Hệ thống đông máu và chống đông máu

* Chức năng điều hòa: Điều hòa các chức phận của cơ thể, thăng bằng acid- base, trao đổi muối nước, điều hòa thân nhiệt

TÍNH CHẤT LÝ- HÓA CỦA MÁU:

* Tỷ trọng: 1,050- 1,060 (trung bình 1,056)

* Độ nhớt:
- Bình thường gấp 4- 5 lần so với nước ở 38oC
- Phụ thuộc vào số lượng huyết cầu và nồng độ protein

* Áp suất thẩm thấu:
- Được tạo ra bởi các phân tử hữu cơ và ion trong máu
- Bình thường: 292- 308 mosm/L

* Chỉ số khúc xạ:
- Phụ thuộc vào nồng độ các muối vô cơ và protein
- Bình thường: 1,3487- 1,3517

* pH và hệ đệm của máu:
- Bình thường: pH=7,38- 7,42
- Các hệ đệm: hệ đệm bicarbonat, hệ đệm photphat, hệ đệm protein, hệ đệm hemoglobin


* Thành phần huyết cầu: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu

* Thành phần huyết tương:
- Khí: O2 và CO2
- Các chất vô cơ: Na+, K+, Ca++, Mg++, Cl-, HCO3-, SO42-, PO43- và một số yếu tố vi lượng Iod, Cu, Fe, Zn…
- Các chất hữu cơ: protein, lipid, glucid và các hợp chất khác

THÀNH PHẦN HUYẾT CẦU:

* Hồng cầu:
- Số lượng bình thường: 4,5- 5 T/L
- Đời sống trung bình: 120 ngày
- Chức năng chính: vận chuyển O2, CO2
- Các chức năng khác: tham gia thăng bằng acid- base trong tế bào (hệ đệm hemoglobin), trao đổi muối- nước, khử độc H2O2,…
- Thành phần hóa học: 57-68% là nước, còn lại là chất khô gồm các chất hữu cơ và vô cơ (Hb, enzym, lipid, các chất điện giải…)
- Màng hồng cầu có chứa các chất quyết định nhóm máu mang tính kháng nguyên của hồng cầu.

* Bạch cầu:
- Số lượng bình thường: 5- 10 G/L
- Tham gia vào chức năng bảo vệ cơ thể thông qua các cơ chế miễn dịch (tế bào và thể dịch)

* Tiểu cầu:
- Số lượng bình thường: 150- 450 G/L
- Tham gia vào các quá trình đông máu trong cơ thể

* Khí máu:
- O2: trong 100 mL máu động mạch chứa 18- 20 mL O2, trong đó có 0,3 mL ở dạng hòa tan, còn lại ở dạng kết hợp với hemoglobin của hồng cầu
- CO2: trong 100 mL máu động mạch chứa 45- 50 mL CO2, tồn tại ở 3 dạng: hòa tan, dạng HCO3- và dạng kết hợp hemoglobin, trong đó 75% ở huyết tương, 25% trong hồng cầu.

THÀNH PHẦN HUYẾT TƯƠNG:

* Các chất vô cơ:
Cation
Anion
Tên
Nồng độ mEq/l
Tên
Nồng độ mEq/l
Na+
142
Cl-
103
K+
5
HCO3-
27
Ca++
5
SO42-
2
Mg++
3
PO43-
1

Vai trò các chất vô cơ:
– Cấu tạo tế bào, mô
– Tạo áp suất thẩm thấu cho các dịch sinh học
– Tạo hệ thống đệm trong cơ thể: hệ đệm bicacbonat, phosphat
– Bình ổn protein ở trạng thái keo
– Hoạt hóa hay ức chế hoạt động của một số enzym, cấu tạo coenzym, cấu tạo hormon, tham gia các quá trình đông máu hoặc dẫn truyền thần kinh

Một số thay đổi bệnh lý:

- Natri:
• Tăng: hội chứng Conn (cường aldosteron tiên phát), hội chứng Cushing (cường vỏ thượng thận), đái nhạt, tiêu chảy mất nước
• Giảm: thừa dịch (suy tim, suy thận, xơ gan), hội chứng tăng tiết ADH không phù hợp (SIADH)

- Kali:
• Tăng: suy thận, bỏng nặng, tiêu cơ vân, toan máu
• Giảm: nôn nhiều, kiềm máu, dùng nhiều lợi tiểu thải kali

- Calci:
• Tăng: cường cận giáp, ung thư di căn xương
• Giảm: suy cận giáp, còi xương, thiếu vitamin D

* Thành phần hữu cơ:
- Protein: thành phần hết sức đa dạng và đảm nhiệm rất nhiều chức năng của cơ thể
- Lipid: trong huyết tương có khoảng 4-7 g/L, bao gồm các triglycerid, phospholipid và các cholesterol
- Glucose: 4.2-6,4 mmol/L.
- Các thành phần khác:Ure, Creatinin, acid uric, bilirubin, LDH, AST-ALT,...

PROTEIN HUYẾT TƯƠNG

* Protein toàn phần:
- Bình thường: 73,1 ± 6,06 g/L
- Chức năng: duy trì áp suất keo của huyết tương
- Gồm nhiều loại, nếu điện di trên giấy tách được 5 loại là: albumin, globulin α1, α2, β, γ.
- Thay đổi trị số các phân đoạn protein có ý nghĩa quan trọng trên lâm sàng
- Tăng: đa u tủy xương (Kahler), mất nước
- Giảm: hội chứng thận hư, suy dinh dưỡng, suy gan

* Albumin:
- Chiếm khoảng 56% protein toàn phần
- Nam: 56,67 ± 5,28 g/L, Nữ: 53,72 ± 4,26 g/L
- Là thành phần chính tạo nên áp suất keo huyết tương
- Tham gia vận chuyển các chất kém hòa tan: acid béo, bilirubin, các hormon, calci, kim loại, thuốc và vitamin
- Giảm: bệnh gan, bệnh cầu thận, suy dinh dưỡng
- Tăng: mất nước hay truyền albumin

* Globulin: có nhiều loại
- α1- globulin: chiếm khoảng 5,3%, tham gia vào cấu tạo lipoprotein và glycoprotein
- α2- globulin: chiếm khoảng 7,8%, tham gia vào cấu tạo ceruloplasmin
- ß- globulin: chiếm khoảng 11,7%, tham gia vào cấu tạo transferin
- γ- globulin: chiếm khoảng 11,7%, tham gia vào miễn dịch thể dịch

* Haptoglobin:
- Là một glycoprotein
- Chức năng vận chuyển hemoglobin tự do trong huyết tương đến lưới nội mạc để giáng hóa
- Tăng: viêm, chấn thương, ung thư
- Giảm: tan máu

* Hemopexin:
- Là một ß- globulin
- Chức năng vận chuyển hem tự do đến gan

* Ceruloplasmin
- Là một α2- globulin
- Chức năng vận chuyển Cu
- Tăng: viêm, xơ gan, leucemia, u lympho
- Giảm: bệnh Wilson (rối loạn chuyển hóa Cu)

* Transferin:
- Là một ß- globulin
- Chức năng vận chuyển Fe
- Nồng độ trung bình: 25- 50 μmol/L
- Tăng: thiếu máu thiếu sắt, giai đoạn mang thai
- Giảm: bỏng, nhiễm khuẩn, bệnh gan, bệnh thận

* CRP (C-reactive protein):
- Là một protein trong huyết tương
- Nguồn gốc tên gọi: do có phản ứng với C-polysaccarid của thành tế bào phế cầu
- Giá trị bình thường: <10 mg/L
- Tăng: viêm, chấn thương, ung thư

* Fibrinogen:
- Là một glycoprotein trong huyết tương
- Chức năng: tham gia vào quá trình đông máu
- Giá trị bình thường: 170-420 mg/dL
- Tăng: viêm cấp
- Giảm: bệnh đông máu nội mạch rải rác, bệnh gan

* Các γ- globulin:
- Còn gọi là immunoglobulin (Ig) do tham gia vào các quá trình miễn dịch của cơ thể
- Nguồn gốc: do tế bào lympho B tổng hợp
- Cấu trúc: gồm 2 chuỗi nặng và 2 chuỗi nhẹ giống nhau
- Có nhiều loại Ig khác nhau: IgA, IgD, IgE, IgG và IgM
- Các kháng thể này tham gia trực tiếp trong các phản ứng kháng nguyên – kháng thể.

- IgG:
• Chiếm tỷ lệ cao nhất trong các Ig, khuếch tán được qua thành mạch và qua được hàng rào rau thai.
• Chức năng: trung hòa chất độc, gắn với kháng nguyên và hoạt hóa bổ thể
• Liên quan đến các đáp ứng miễn dịch trong bệnh mạn tính
• Tăng trong các bệnh gan, bệnh collagen, bệnh lao

- IgM:
• Là kháng thể đầu tiên được sản xuất trong quá trình đáp ứng miễn dịch của cơ thể
• Tăng cao trong giai đoạn cấp của bệnh lý nhiễm trùng

- IgA:
• Có vai trò bảo vệ ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể (có trong nước bọt, nước mắt, dịch mũi, dịch ruột…)
• Tăng trong bệnh gan mạn, hen phế quản, lao phổi

- IgD và IgE:
• Chiếm tỷ lệ rất ít trong huyết tương (1%)
• Chức năng của IgD chưa rõ ràng
• IgE gắn với tế bào mast và liên quan đến các phản ứng dị ứng, do đó tăng trong các bệnh dị ứng