Bạn thân mến,
Mình cũng đang chuẩn bị cho năm học mới như bạn nè. Không phải là gọt bút chì, hay mân mê những quyển vở thơm phức nữa, mà là chuẩn bị dụng cụ, mô hình cho giảng dạy, sách vở và giáo trình, kể cả… câu hỏi trắc nghiệm nữa.
Từ khi bạn khoác blouse trắng, bạn có biết rằng, mình đã bước vào hàng ngũ của một trong những sinh viên ưu tú hàng đầu cả nước. Không chỉ vì trường Y lấy điểm tuyển cao ngất ngưỡng, không chỉ vì bạn đã vượt qua cả ngàn người khác để vào Y khoa, mà còn vì bạn phải học tập cật lực, ròng rã 6 năm đèn sách, ngày lẫn đêm, trong giảng đường, bên giường bệnh. Lượng kiến thức bạn phải học nhiều hơn bất kì sinh viên trường nào khác, không chỉ bao gồm kiến thức từ hàng chồng sách vở, mà còn từ những tháng ngày đi lâm sàng vất vả. Quan trọng hơn, bạn còn phải học những kỹ năng giao tiếp, rèn luyện bản lĩnh và tập khả năng ra quyết định sinh-tử, mà không có quyển sách giáo khoa nào viết hết được. Khi bạn đến đích, bạn có quyền tự hào, có quyền ngẩng cao đầu, và hạnh phúc khi mọi người yêu mến gọi mình là ‘Bác Sĩ’.
Một người thầy nói với mình ‘honor yourself’. Khi đi lâm sàng, bạn có thể nghe thầy cô chê bạn kiểu như ‘không biết gì hết’, ‘mất kiến thức căn bản’. Bạn đừng lấy làm thất vọng. Thầy cô chê để giúp bạn nhận ra chỗ khiếm khuyết trong sự học của mình. Ngay cả khi mất căn bản, vẫn còn thời gian để bạn học lại. Nhưng bạn phải giữ bằng được sự tôn trọng chính mình. Vì chỉ có như vậy, bạn mới có động lực để hoàn thiện sự học, vươn lên đến đỉnh cao nhất mà bạn có thể chạm tới.
Nếu có ai nói với bạn rằng, điểm số đại học không quan trọng, ‘qua là được rồi’. Mình khẳng định điều đó là sai. Nếu có khi nào bạn nộp đơn học tại một trường ở nước nào đó, người ta sẽ yêu cầu bạn cung cấp bảng điểm đại học. Và đó là một trong những tiêu chí cực kì quan trọng. Do đó, hãy để mình nói lại thế này cho đúng: ‘đạt được điểm tới đâu không quan trọng bằng việc bạn cố gắng hết mình’. Và như vậy, bạn có trách nhiệm học hành hơn, thay vì bằng lòng với tư tưởng ‘qua là được’.
Khi bạn đi bệnh viện, khi trực đêm, hãy quan sát các anh chị của bạn cấp cứu bệnh nhân vất vả như thế nào. Khi đó, bạn sẽ biết mình cần rèn luyện những phẩm chất gì, để sau sáu năm, đến lượt bạn sẽ bước vào trận chiến cân não đó. Mình gọi là trận chiến vì đó là những giây phút giành giật sự sống, mà các Bác Sĩ phải dốc hết tâm sức, không có chỗ cho sự chậm trễ và sai lầm. Nếu hàng ngày, bạn không có trách nhiệm với sự học và chăm chỉ thực tập, bạn sẽ khó lòng vượt qua những thử thách chông gai đó.
Mong bạn hãy học hành cật lực, ghi chép cẩn thận, quan sát kỹ lưỡng, và chịu khó đi thực hành bệnh viện. Mong bạn hãy trân trọng kiến thức, kinh nghiệm mà mình có được. Vì có khi, học phí là rất đắt, tính bằng mạng sống con người. Đó là sự thật hiển nhiên, nó hiển nhiên đến mức có câu nói nổi tiếng trong Y khoa, hàm ý là cố gắng ‘càng giết ít người càng tốt’. Xin bạn hãy yên tâm, giờ đây, với mô hình làm việc nhóm và lấy bệnh nhân làm trung tâm, những sai sót đã được giảm thiểu tối đa. Nhưng cuối cùng, chính bạn, vẫn là bạn, sẽ là người có giữ được sự sống hay không. Vì vậy, xin bạn hãy học, thật nhiều đến mức có thể, bằng trí óc, và cả trái tim.
Cuối cùng, giả bộ sự học như việc trồng cây. Mỗi lần bạn chỉ tưới được một ít nước thôi. Nhưng nếu bạn chịu khó thường xuyên tưới nước, cây sẽ chóng lớn chóng khỏe. Nếu bạn chỉ đổ ụp một xô nước rồi không quay lại, chắc chắn cây sẽ úng rễ hoặc là héo mất. Tương tự, một lần học, bạn chỉ thực sự vỡ lẽ một số vấn đề thôi. Do vậy, không có gì lạ nếu bạn quên mất phần lớn bài học. Quan trọng là lần sau gặp bệnh, bạn nhớ lật sách đọc lại, rồi dần dần, ‘cây’ học của bạn sẽ chắc khỏe thôi.
nguồn:http://www.docsachysinh.com/forum/index.php?threads/kinh-nghiem-hoc-tap-tich-cuc-cho-dan-y-khoa.1839/